Trong dòng lịch sử, nhiều tên được dùng để mô tả hình thức cũng như nội dung của Thánh Lễ. Đây là một dấu chỉ cho sự phong phú tinh thần của Thánh Lễ. Ý nghĩa của Thánh Lễ không thể diễn đạt được bằng một cách gọi duy nhất; các tên khác nhau đó tỏ bày cho thấy những đường nét căn bản của Thánh Lễ, được nhìn từ những chiều kích khác nhau. Các cách gọi đó là: Bẻ Bánh, Bữa Tối Của Chúa, Tạ Ơn, Hy Lễ, Lễ Mi-sa.
Trước hết Thánh Lễ được gọi là “Bẻ Bánh“. Sách Công Vụ Tông Đồ dùng cách gọi này để tường trình về sinh hoạt của những Ki-tô-hữu trong cộng đoàn tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem, nơi các tín hữu “chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện“ (2,42; 2,46;20,7). Thánh Phao-lô hỏi cộng đoàn tại Cô-rin-tô: “Khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?“ (1 Cr 10,16).
Lễ nghi “Bẻ Bánh“ được Thần học gọi là “Bí Tích của sự hiệp nhất và tình yêu“. Thánh Lễ quy hợp tín hữu thành cộng đoàn, rõ ràng cho mọi người nhìn thấy. Cách gọi này không còn được thông dụng. Nhưng Thánh Lễ vẫn là dấu chỉ cho “sự hiệp nhất giữa mọi người trong một tấm bánh, và dấu chỉ đức bác ái, bởi vì một tấm bánh được phân phát giữa anh em.“ (283)
Thánh Lễ, nghi thức phụng vụ chính của Ki-tô giáo, được Thánh Phao-lô gọi là “Bữa Ăn Tối Của Chúa“ trong Thư thứ nhất gởi cho cộng đoàn tại Cô-rin-tô (11,12), vì thời đó Thánh Lễ còn kết hợp với một bữa ăn. Trong Thư này Phao-lô kể lại những gì Ngài đã lãnh nhận nơi Đức Giê-su. “Dùng bữa tối của Chúa“ là “để tưởng nhớ“ đến Người. Đấng đã bị đóng đinh và sống lại, không chỉ là người thiết lập nên bữa ăn đó, mà còn là chủ tiệc.
Và Người cũng còn là của lễ, vì khi cả cộng đoàn tập họp lại quanh “Bàn tiệc của Chúa“ được cử hành trong “Ngày của Chúa“ (kh 1,10). (cha Vinh SVD)