Kinh Tạ Ơn bắt đầu với phần đối thoại: “Chúa ở cùng anh chị em; Hãy nâng tâm hồn lên; Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.” Trong phần đầu này, chúng ta gặp gỡ những yếu tố của truyền thống phụng vụ Do-thái và Ki-tô Giáo cổ xưa. Mục đích của đối thoại đầu Kinh Tạ Ơn là giúp Dân Chúa ý thức tính cộng đồng và liên kết với vị chủ lễ; đồng thời cho thấy rằng Kinh Tạ Ơn không chỉ là việc làm của vị chủ tế, mà còn được coi như là lời nguyện của cả cộng đoàn. Đối thoại kết thúc với lời mời gọi tạ ơn là nội dung chính của toàn cả lời kinh và cả Thánh Lễ.

Sau phần đối thoại là Lời Tiền Tụng - phần chúc tụng chính -, nơi mà sự cảm tạ được nêu lên cụ thể. Thật vậy, Thiên Chúa đáng được chúc tụng luôn luôn và ở khắp mọi nơi. Người là Chúa, là “Đấng thánh”; từ bản thể là “Thiên Chúa vĩnh cửu uy quyền.” Tiếp theo Lời Tiền Tụng là lời tung hô Thánh! Thánh! Chí Thánh! (Sanctus). Linh mục và cộng đoàn đọc hay hát chung phần này (55b; 168).

Con người không có quyền tự ý sử dụng các hành động cứu độ của Thiên Chúa, mà chỉ có thể cầu xin. Chính vì thế, tiếp theo sau Sanctus, linh mục dang tay đọc hay hát Kinh Cầu Xin Chúa Thánh Thần (Epiklese). Đây là lời cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần xuống trên bánh rượu, để biến đổi thành Mình và Máu Đức Giê-su Ki-tô, “đem lại ơn cứu độ cho những ai lãnh nhận” (55c). Khi đọc, linh mục chủ lễ đặt hai tay trên lễ vật và làm một dấu Thánh Giá. Lời cầu xin này trải dài trên của lễ và trên cộng đoàn, với ước mong Chúa Thánh Thần biến đổi lễ vật và cuộc đời các tín hữu.     

Trong Lời Truyền Phép kế tiếp, linh mục tường thuật lại việc lập bí tích Thánh Thể và thực thi những điều chính Đức Ki-tô đã truyền dạy các Tông Đồ trong bữa tiệc sau hết. Khi ấy, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11,23-25). Vào thời Trung cổ, Lời Truyền Phép được bao quanh bằng nhiều cử chỉ long trọng như: xông hương, rung chuông, quỳ gối chiêm ngưỡng. Việc nâng cao Bánh Thánh và Chén Thánh đến từ lòng đạo đức khao khát ngắm nhìn Thánh Thể thời đó, khoảng từ năm 1200.

Giỗ 52 năm Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm

Lễ Giáng Sinh 2014 tại St. Anna

Lễ quan thày CĐ Frankfurt 2015