Sau Lời nguyện giáo dân, linh mục chủ lễ rời giảng đài và tiến đến Bàn Thờ. Sự thay đổi vị trí bên ngoài này báo hiệu cho một phần mới của Thánh Lễ: Phụng Vụ Thánh Thể; được bắt đầu bằng việc chuẩn bị lễ phẩm.
Trong khi cộng đoàn hay ca đoàn hát ca tiến lễ, người giúp lễ mang bánh rượu, đĩa và chén thánh đến bàn thánh. Trong thuở đầu của Giáo Hội, các tín hữu mang theo bánh rượu và các sản phẩm khác khi „đi lễ“. Dâng cúng rộng rãi và thường xuyên, các sản phẩm , được tạo nên bởi „hoa màu ruộng đất và lao công của con người“, là hiện tượng có tính tôn giáo trong mọi thời và mọi nơi. Khi chia cho đi những gì cần thiết cho cuộc sống, con người dâng hiến luôn cả bản thân mình cùng chung với những của lễ đó. Cũng trong tinh thần đó, những lễ phẩm mà tín hữu mang đến được chia cho những người nghèo khó sau mỗi Thánh lễ trong thế kỷ đầu. Ngay cả sau khi bữa tiệc của cộng đoàn, đồng thời là bữa ăn của người nghèo, được tách rời khỏi thánh lễ, thì việc quyên góp thực phẩm cho những người nghèo vẫn được duy trì.
Như vậy từ cổ xưa, việc chuẩn bị cho Thánh Lễ đã trờ thành một biểu tượng diễn đạt sự hiến tế mạng sống của người dâng, để hiệp thông vào của lễ của Đức Ki-Tô. Khi cộng đoàn lớn dần, việc dâng cúng trở thành một cuộc rước dâng, và được chủ lễ hay phó tế đón nhận ngay trước bàn thờ.
Suy tư thần học của cộng đoàn về hành động hiến dâng đó đã biến việc dâng của lễ trở thành một nghi thức. Vào thời Hippolit (+235) đã có quan niệm cho rằng chỉ ai thuộc về cộng đoàn, thì mới có quyền dùng của lễ và đón nhận bánh đã được dâng hiến. Giám mục tử đạo Cyprian (+258) trách móc những người „đến không mang của bố thí mà lại nhận lãnh phần của những người nghèo đã dâng hiến“.