Tĩnh Tâm Tuần Thánh

Flörsheim Gründonnerstag 28.03.2024

Flörsheim Karfreitag 29.03.2024

Flörsheim Karsamstag 30.03.2024

Nhà thờ St. Gallus

Hauptstraße 28, 65439 Flörsheim

Nhà thờ St. Gallus

Hauptstraße 28, 65439 Flörsheim

Nhà thờ St. Gallus

Hauptstraße 28, 65439 Flörsheim

16g00 Giải tội + Giảng Thuyết

17g00 Thánh lễ có nghi thức rửa chân

17g00 Giải Tội + Giảng Thuyết

18g00 Suy tôn thánh giá

16g00 Giảng thuyết

17g00 Giải tội

18g00 Thánh lễ Phục sinh + Rửa tôi người lớn

Anh chị em thân mến,

Thành phố Bonn năm nay phải nhộn nhịp lắm, vì mừng 250 năm Sinh Nhật của nhạc sĩ Beethoven – người công dân vĩ đại của thành phố. Ngân sách dành cho việc mừng này toàn nước Đức là 24,6 triệu Euro do tiểu bang Nordrhein-Westfalen cùng với thành phố Bonn và tỉnh Rhein-Sieg-Kreis đóng góp.  Có khoảng hơn 300 dự án trong đó có hàng ngàn buổi tổ chức như hòa nhạc, triển lãm, thuyết trình, văn nghệ đến các buổi liên hoan cùng các Open Air Events. Chương trình đã bắt đầu từ tháng Giêng. Thế mà mấy ngày hôm nay tôi thấy thành phố vắng vẻ quá đi thôi. Vừa phần mấy ngày nay mưa dầm từ sáng đến tối, trời u ám, không mặt trời. Nhưng số người đi dạo trong thành phố thì rất ít. Cứ y như là những ngày 24-25 tháng 12 vậy- tức là lễ Giáng Sinh.  Hàng quán ế ẩm. Đó là do nỗi sợ Virus Corona.

Anh chị em thân mến, đây là cơ hội để chúng ta phản tỉnh về ý nghĩa cuộc đời của mình. Chúng ta sống để làm gì, từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Những câu hỏi này cần suy nghĩ trong mùa chay thánh. Chỉ khi nào có hướng đi chính xác chúng ta mới có thể bước đi thanh thản. Chúa luôn nhắc nhở chúng ta: trần gian chỉ là đời tạm, là 1 cuộc du hành. Quê hương thật của chúng ta là ở trên trời, nơi Thiên Chúa ngự trị. Chúng ta chỉ có thể bước vào đó nếu chúng ta kính sợ Chúa và yêu mến tha nhân.

Mỗi người trong chúng ta sẽ phải tự theo dõi các chỉ dẫn của giới hữu trách y tế về việc phòng ngừa dịch bệnh. Nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng phải sống như người Kito hữu, nghĩa là những người có đức tin:, biết tìm đến sự che chở từ trời cao đồng thời cũng biết tìm hiểu ý Chúa trong mọi biến cố.

Ước gì việc phòng chống Virus Corona  nhắc nhở cho chúng ta là, cuộc sống chúng ta đang có là 1 ơn của Chúa, Chúa hằng gìn giữ ta mọi giây mọi lúc, Chúa mà buông tay ra là ta chết…để mà biết hằng ngày tạ ơn Chúa, dâng mình cho Chúa, cầu nguyện cho người khác và sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Một điều thực tế, là những anh chị em vừa đi du hành từ nước ngoài về, trong vòng 2 tuần lễ không cần đi dự thánh lễ cộng đoàn. Đó cũng là  bác ái, kính trọng cảm xúc của các anh chị em chúng ta. Xin anh chị em lưu ý.

Xin Thánh Cả Giuse gìn giữ anh chị em và gia quyến luôn được may lành , bình an và khỏe mạnh, tránh được mọi bệnh dịch phần xác cũng như bệnh dịch phần hồn.

Thân mến,

cha T/U Dominik Trần Mạnh Nam

Anh chị em thân mến,

Khoảng thời gian này trong anh chị em có nhiều người xôn sao về tin tức của Coronavirus. Vì thế họ không dám tiếp xúc với những người từ Viêt Nam mới trở về Đức. Có nhiều anh chị em đã mua vé máy bay để về Việt Nam giờ đây đã trả vé lại, một số đang suy nghĩ để sẽ trả vé lại. Tôi có hỏi thử một vài người trong số đó là: sao lại bận tâm lo xa thế, tôi có thấy ai từ Việt Nam về Đức bị bệnh đó đâu. Thế là tôi bị ăn chửi ngay: Đợi đến khi mắc bệnh rồi mới lo chữa thì chết cả đám, phải biết phòng bị trước. Tôi lại nói đùa thêm: Nếu có bị nhiễm thì cũng chữa đươc có sao đâu. Thế là tôi bị chửi thậm tệ hơn: Cứ ngồi trong nhà đóng cửa, không biết gì về nguy hiểm của truyền nhiễm là gì, chịu khó đi học thêm đi.

Anh chị em thân mến, qua sự kiện tôi vừa kể, tôi thấy Chúa nói rất hay: con cái thế gian thì khôn ngoan hơn con cái sự sáng. Người ta phòng chống một bệnh dịch thể lý một cách triệt để như thế. Vậy mà có những bệnh dịch tinh thần còn khủng khiếp như thê, người ta cứ thản nhiên dính vào. Một khi nói xấu ai đó, thì nó sẽ lan truyền như bệnh dịch phá hủy con người bị nói xấu, phá hủy con người nói xấu, phá hủy cộng đoàn, thế nhưng con người ta vẫn thản nhiên nói hành nói xấu. Người ta thản nhiên nói xấu cha xứ, nói xấu hội đồng giáo xứ, nói xấu cộng đoàn mà chẳng mảy may áy náy rằng hậu quả sẽ là giết chết cộng đoàn. Người ta biết rằng cái dịch của 1 lần bỏ thánh lễ Chúa Nhật là sẽ lây lan bỏ tiếp mọi ngày Chúa Nhật kế tiếp, người ta vẫn thản nhiên bỏ, cho đến khi bệnh dịch này hủy hoại mọi sức khỏe đạo đức của người tín hữu. Người ta biết rằng cái nguy hiểm của bệnh dịch dối trá là hễ một lần dối trá sẽ kéo theo các lần dối trá tiếp theo, nhưng họ vẫn thản nhiên gian dối trá cho tới khi xã hội không còn tin tưởng nhau nữa.

Không biết tự bao giờ con người chúng ta đã bị lừa dối bởi một suy nghĩ sai lầm: dịch bệnh lý mới đáng sợ, chứ mấy cái gọi là bệnh phần hồn chỉ là nhảm nhí. Thật ra khi chúng ta dù khỏe mạnh thể xác mà đã sa sút về tinh thần thì chẳng còn nghị lực gì để sống nữa. Ngược lại có tinh thần khỏe mạnh thì dù có bệnh thể lý con người cũng vượt qua được. Ước gì mùa chay năm nay sẽ giúp chúng ta khám phá ra các bệnh mà chúng ta đang có để chúng ta có thể chữa trị kịp thời.

Xin cầu chúc anh chị em được nhiều ơn lành trong năm canh Tý này.

Thân mến,

cha T/U Dominik Trần Mạnh Nam

Khi sắp đến tết, người Việt chúng ta muốn sống lại những kỷ niệm ngọt ngào thời thơ ấu. Tết vui không phải chỉ vì được ăn chơi mấy ngày đó, nhưng  vì nhắc cho ta biết con người có cuội có nguồn. Tết nhắc nhở cho chúng ta biết chúng ta hiện hữu là hiện hữu với nhau. Vì thế Tết người Việt Nam dành thời giờ thăm hỏi nhau ngày Tết.

Trong bầu khí hướng về nhau như thế, tôi muốn đề cập với anh chị em một đề tài liên quan đến sự sống còn của các cộng đoàn chúng ta. Hiện nay trên nước Đức đã có giáo phận bãi bỏ việc mục vụ cho người ngoại kiều. Trong giáo phận đó chỉ còn cơ cấu các giáo xứ (Đức) chứ không còn có cơ cấu các cộng đoàn ngoại kiều như Ba Lan, Đại Hàn, Tiệp Khắc, Tàu, Ý … gì nữa. Mọi giáo hữu có một giáo xứ và sinh hoạt chung trong đó bất kể nguồn gốc dân tộc nào cả. Và bây giờ có một số giáo phận đang suy nghĩ xem có nên bắt chước theo đường lối đó không đây.

Một trong nhiều lý do đưa dến quyết định đó, chính là người ta thấy rằng, chính các người đồng hương của cộng đoàn ngoại quốc đó chẳng quan tâm gì đến cộng đoàn của mình, thì tại sao người Đức phải dấn thân cho cái cộng đoàn đó. Nếu chính những người đồng hương đó không quan tâm cộng đoàn có èo uột, có vắng vẻ trong việc sinh hoạt văn hóa của họ, thì chẳng có lý do gì thúc đẩy người Đức phải nhiệt tâm cho cộng đoàn đó. Ngoài ra còn có thêm vấn đề tính toán tài chính nữa. Nếu giáo phận trả tiền phí tổn cho cộng đoàn Việt Nam chúng ta mỗi lần xử dụng nhà thờ và hội trường (tiền sưởi, tiền điện…) mà cộng đoàn chúng ta đi lễ chừng 50% số người thì cũng đang đồng tiền bát gạo. Thế nhưng nếu chúng ta đi lễ mỗi lần chỉ lèo tèo vài phần trăm thì sao chịu được.

Vì thế, xin anh chị em suy nghĩ tiếp. Nếu một ngày nào đó chúng ta không còn cộng đoàn riêng cho chúng ta nữa, có thể cũng là do chúng ta góp phần khai tử cộng đoàn chúng ta bằng sự vắng mặt không đi lễ của mình. Vì thế sinh hoạt với cộng đoàn là bổn phận của người công giáo. Nếu chúng ta không giữ bổn phận này, thì không phải Thiên Chúa lên án chúng ta, nhưng chính con cháu chúng ta sẽ lên án chúng ta sau này, vì tới thế hệ chúng, chúng không còn được hưởng cộng đoàn dân tộc nữa.

Xin cầu chúc anh chị em được nhiều ơn lành trong năm mới, nhất là ơn hiệp nhất.

Thân mến,

cha T/U Dominik Trần Mạnh Nam

Tết Ất Mùi 2015 tại Flörsheim

Tĩnh tâm tuần thánh toàn vùng 2015 - phần I

Tĩnh tâm tuần thánh toàn vùng 2015 - phần 2

Tĩnh tâm tuần thánh toàn vùng 2015 - phần 3

Lễ Giáng Sinh 2014 tại St. Anna