Nguồn gốc và phát triển của Thánh Lễ
Ăn chung mâm ngồi chung bàn

Thánh Lễ tự nguồn gốc là một bữa ăn. Cùng ăn uống chung với người khác là mọt việc mà Đức Giêsu quen làm, như các sách Tin Mừng tường thuật lại. Người coi trọng hình thức gặp gỡ có tính chất cộng đoàn này, bất chấp sự chỉ trích của những người Pha-ri-sêu. Họ còn coi Người như là một “tay ăn nhậu“ (Lc 15,2); vì đã không ngại “ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!“ (Mc 2,16).
Khi ngồi quanh một mâm trong một bữa ăn, chủ và khách có cơ hội đến gần với nhau, trao đổi, chia sẻ, để rồi hiểu biết và thông cảm nhau hơn. Tình nghĩa và tin yêu có thể nảy mầm và lớn mạnh. Ăn chung với ai là bày tỏ sự ưu ái và tin cậy: Có quí trọng ai thì mới mời, mới đến ăn chung. Và nếu có Chúa là khách, thì bữa ăn sẽ là nơi con người tìm ơn tha tội (LC 7,8) và ơn cứu độ được thực hiện (Lc 19,9).
Bữa ăn chung với Đức Giê-su chắc chắn đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời các môn đệ. Đi theo Người, họ nghe giảng dạy, nhìn thấy những dấu chỉ và lớn dần trong mối quan hệ Thầy trò. Các bữa ăn là một phần quan trọng trong bước đường theo Chúa. Nơi này các kinh nghiệm của đoạn đường đã đi qua được ôn lại, được chia sẻ và giải thích. Qua đó, họ được liên kết ngày càng chặt chẽ hơn với Thầy của mình. Các môn đệ nhận ra dần ơn gọi của Đức Giê-su: Biết Người là ai. Rồi từ đó cũng nhận ra dần được ơn gọi của chính mình, để trung thành và sẵng sàng theo Chúa cách triệt để hơn. Như vậy các bữa ăn chung đó cũng là một sự chuẩn bị cho bữa ăn cuối cùng với Chúa: Tiệc Ly.
Hình thức của bữa tiệc trong truyền thống dân tộc Ít-ra-en Bữa tiệc của Do-Thái giáo cổ điển có một trật tự rõ ràng. Đầu bữa tiệc, khi cả gia đình tập họp đầy đủ, người chủ nhà cầm lấy tấm bánh, nâng lên khỏi mặt bàn để cho mọi người có thể nhìn thấy, và đọc lời chúc tụng: “Chúc tụng Chúa, Gia vê, là Chúa chúng con, là vua vũ trụ, vì đã để cho bánh này nẩy nở từ lòng đất. “Người ngồi chung bàn đáp “A-men“ để tỏ bày sự đồng ý với lời chúc tụng đó. Rồi người chủ nhà bẻ bánh, và trao cho mỗi người một miếng nhỏ. Sau khi mọi người ăn xong miếng bánh – như là dấu chỉ cho sự gắn bó, bữa ăn chính được bắt đầu. Mảnh bánh được bẻ từ tấm bánh được coi như là món chính.
Sau khi nghỉ một lát, chủ và khách bắt đầu thưởng thức rượu và chuyện trò, cuối bữa tiệc, chủ nhà mời gọi tạ ơn trong một đối thoại. Ông nói: “Chúng ta dâng lời chúc tụng. “mọi người đáp: “Chúc tụng Danh Chúa, hôm nay cho đến mãi muôn đời.“ Chủ nhà: “ Chúc tụng Chúa chúng ta, bởi vì chúng ta dùng thức ăn của Chúa và sống bằng sự nhân nghĩa của Người. “Tất cả: “ Chúc tụng Chúa và Danh Thánh Người.“ Rồi ông ta nhấc chén rượu lên khỏi mặt bàn và đọc lời chúc tụng:
1- Chúc tụng Chúa, Gia vê, là Chúa chúng con, là vua vũ trụ, đã dưỡng nuôi thế giới trong nhân từ, trìu mến và lòng xót thương.Chúc tụng Chúa, Gia vê, đấng dưỡng nuôi thế giới.
2- Chúng con dâng lời tạ ơn Chúa, Gia vê, Chúa chúng con, vì Chúa đã ban cho chúng con một vùng đất rất đáng yêu quí làm gia nghiệp, (để chúng con sinh sống bằng những hoa trái của nó, và no nê từ mùa màng nó mang lại!) Chúc tụng Chúa, Gia vê, Chúa chúng con, cho phần đất và cho những thực phẩm.
3- Xin xót thương, Gia vê, Chúa chúng con, dân Ít-ra-en của Chúa, thành đô Giê-ru-sa-lem của Chúa, thương Xi-on, là nơi vinh quang Chúa ngự, thương bàn thờ của Chúa và đền thờ của Chúa.
Chúc tụng Chúa, Gia vê, Đấng đã xây dựng Giê-ru-sa-lem.
4- Chúc tụng Chúa, Gia vê, Chúa chúng con, là Đấng tốt lành và tỏ bày sự tốt lành.Lời chúc tụng lớn này là lời kinh nổi bật nhất của toàn cả bữa tiệc. Người Do-thái chúc tụng Thiên Chúa là Tạo Hóa, Đấng bảo vệ che chở Đất nước, Đền Thánh và ban phát mọi sự tốt lành. Sau khi cùng đáp “A-men“ mỗi người uống một ngụm từ Chén Chúc Tụng (Chén Chúc Lành).
Bữa ăn đối với họ, như thế, không chỉ là chuyện thoải mái giữa con người với nhau thôi, mà là một sự tập hợp dưới ánh mắt Thiên Chúa và với ơn phúc của Người. Là một dấu chỉ bên ngoài cho thực tế bên trong: Được Thiên Chúa trao ban cho thực phẩm, tình bằng hữu và sự sống. Cơ cấu căn bản này vẫn được giữ, ngay cả khi bữa tiệc được nới rộng thêm.
Bữa tiệc ly của Đức Giê-suĐức Giêsu và các môn đệ, cũng như cho mọi thành phần dân Ít-ra-en, đã mừng tiệc theo các nghi thức và truyền thống dân tộc ấn định. Nhưng trong bữa tiệc cuối cùng, Đức Giê-su đã đặt những trọng điểm mới, mở lối cho tương lai lâu dài, Tiệc ly có phải là một bữa ăn theo kiểu Tiệc Passah của người Do thái hay không, điều này vẫn còn được tranh cãi, nhất là vì sách Tân Ước không đưa ra câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi đó. Chắc chắn là: bữa tiệc của người Do Thái chứa đựng tất cả các yếu tố, mà nhờ đó có thể giải thích rõ ràng được các thắc mắc liên quan đến những việc Đức Giê-su đã làm.
Cổ nhất trong bốn tường thuật về bữa Tiệc ly trong Tân Ước là của Thánh Phao-lô. Ngài tóm tắt lại như vậy: “Trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: Đây là chén máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước ; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy“ (1 Cr 11,23-25)
Bữa tiệc cuối đó đã trở nên di chúc mà Đức Giê-su để lại cho các môn đệ của Người. “ Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy“, yêu cầu này đã ghi dấu sâu đậm trong tâm khảm của các môn đệ. Nhiệm vụ được giao đã nối liền với cuộc sống các Tông Đồ và Giáo Hội – ngay từ giờ phút đâu tiên và qua suốt mọi thời gian.
(Lm Nguyễn Đức Vinh SVD)