Qua bí tích Rửa Tội, người có niềm tin được tái sinh và trở nên con cái Thiên Chúa. Khi đón nhận ơn tha thứ, người đó được hiệp thân với Đức Ki-tô và trở nên một phần tử của cộng đoàn Dân Chúa. Mỗi tín hữu được trao ban danh dự của người: thuộc về “giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người”. Nói cách khác, họ trở nên “những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng” (1 Pr 2,5.9).
Trong Thánh Lễ, cộng đồng Dân Chúa không họp lại như một đám đông không hình thù vô trật tự, và cũng không hững hờ lạnh nhạt, đến để “xem lễ” một cách thụ động. Trái lại, giáo dân và giáo sĩ đều góp phần tham dự tích cực vào nghi thức được cử hành, theo chức thánh và phận vụ, với mục đích làm sao cho mọi người tham dự lãnh nhận dồi dào ơn ích như Chúa Ki-tô mong muốn khi thiết lập Thánh Lễ (2).
Bí tích Rửa tội và Thêm sức kết hiệp người Ki-tô hữu một lần duy nhất vào cộng đoàn Dân Chúa. Còn Thánh Lễ nối kết họ liên tục, lâu dài và thân mật với Chúa Ki-tô. Cùng với Người, các tín hữu tận hiến đời mình cho Thiên Chúa. Qua việc cùng mừng Thánh Lễ, người tín hữu và Hội Thánh trưởng thành dần. Và như vậy, Thánh Lễ là “nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Ki-tô Giáo” - một cuộc sống từ niềm tin vào Thiên Chúa. Hội Thánh cũng nhắc nhở các tín hữu trong các điều răn là phải tham dự Thánh Lễ “ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc.”
Thánh Lễ đưa người tín hữu vào một cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Là những nhân vị, con người được Thiên Chúa mời gọi tham dự một cách sống động vào hành động cứu độ của Đức Ki-tô cho chính họ. Vì vậy mà người tín hữu, trong suốt cuộc đời và cả trong Thánh Lễ, không chỉ là kẻ đón nhận; mà đồng thời cũng là người tham gia chủ động, đầy ý thức và lòng đạo đức. Thánh Lễ từ đó cũng được coi là “hành động của Đức Ki-tô và của cộng đoàn Dân Chúa.”