dauthanhgiaLà cử chỉ chúc lành đặc thù,  cho mình và cho người khác, của Ki-tô Giáo. Đánh dấu để chứng minh quyền sở hữu là một tập tục có từ cổ xưa, như nô lệ mang dấu tên của chủ trên trán. Mang dấu của ai nghĩa là thuộc về người ấy. Trong thần kiến của Ê-dê-ki-en, dấu chữ thập trên trán chỉ rõ những người được Thiên Chúa che chở và cứu thoát (9,4-6). Sách Khải Huyền cũng nói như vậy: mang ấn của Thiên Chúa là thuộc về Thiên Chúa và chỉ thờ phượng Thiên Chúa (7,1-8).

Từ thời rất sớm, làm Dấu Thánh Giá là phần của nghi thức đưa vào bậc dự tòng. Qua dấu hiệu này, người dự tòng tuyên xưng niềm tin vào Đức Ki-tô và tin tưởng vào sự cứu độ nơi Chúa. Người đó cũng đặt mình dưới sự chở che của Thánh Giá, mà theo quan niệm xưa xua đuổi được ma tà. Đây là một hình thức chúc lành và là biểu tượng cho ơn cứu độ, vì Đức Giê-su đã chết trên thập giá cho nhân loại.       

Làm Dấu Thánh Giá để nhớ đến bí tích rửa tội dần dần trở nên một dấu chúc lành. Trong phụng vụ Rô-ma, Dấu Thánh Giá được dùng trong nghi thức đầu lễ, trước khi đọc và nghe Tin Mừng, trong Kinh Tạ Ơn và khi ban phép lành. Người Ki-tô hữu bắt đầu mỗi kinh nguyện chung hay riêng bằng Dấu Thánh Giá. Họ nhúng tay vào nước thánh để nhớ đến nước Rửa Tội và làm Dấu Thánh Giá khi bước vào nhà thờ. Khi làm phép các tượng ảnh và các đồ vật khác, linh mục làm Dấu Thánh Giá và đặt chúng dưới sự chúc lành và quyền sở hữu của Thiên Chúa. Gọi tên Thiên Chúa Ba Ngôi lúc làm dấu xuất phát từ thời tiền Trung cổ, giúp làm rõ sự liên hệ với bí tích rửa tội.  

Khi làm dấu ta đưa tay phải lên trán - là chỗ ở của lý trí; rồi đưa xuống ngực - chỗ ở của tâm hồn và tình cảm; và đưa chạm vai trái rồi vai phải - là phần nối với hai tay dùng để làm việc và hoạt động. Đường thẳng từ trên xuống biểu hiện con đường Thiên Chúa đến với con người: Thiên Chúa nhập thể trong Đức Giêsu. Đường ngang là lối đi của Thánh Thần: nối kết con người với nhau.  

Làm Dấu Thánh giá như thế là một cách tuyên xưng lòng tin và biểu lộ sự phụ thuộc hoàn toàn vào Chúa Ki-tô của người tín hữu. Hay nói một cách rõ ràng hơn là vào Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, đã được thể hiện qua cuộc sống, sự đau khổ, sự chết và sự sống lại của Đức Giê-su Ki-tô. Đây là một cách tuyên xưng niềm tin ngắn nhất. Bình thường khi nhìn thấy ai làm Dấu Thánh Giá trước và sau bữa ăn, chúng ta nhận ra rằng người đó “có đạo”. Đó là dấu ấn của Đức Ki-tô. Làm Dấu Thánh Giá lúc bắt đầu thánh lễ nhắc nhở lại sự khởi đầu và việc đặt nền móng đời sống theo Đức Ki-tô trong bí tích rửa tội. Tham dự Thánh lễ là xây tiếp “ngôi nhà Đức tin” trên nền móng này.