Kinh Sám Hối

“Tôi thú nhận” là kinh quen thuộc nhất của nghi thức sám hối. Ngoài ra, còn có hai mẫu khác cho Nghi Thức Sám Hối. Trước khi bắt đầu Thánh Lễ, cộng đoàn ý thức lại và nhìn nhận trước mặt Thiên Chúa thân phận tội lỗi của mình. Công thức thú tội cũ đã có từ thế kỷ thứ 6-7, được tiếp nhận từ Giáo Hội Đông Phương. Kinh Sám Hối mà chúng ta dùng hiện tại được phát triển dựa vào những lời thú tội cá nhân và được quy cách hóa trong Sách Lễ Tridentinô.

Lúc đầu, kinh này chỉ được linh mục và các người giúp lễ đọc riêng trong nhà mặc áo như là một cử chỉ chuẩn bị cho Thánh Lễ. Vào thời Trung cổ,  kinh này được đưa vào đầu Thánh Lễ, được linh mục và các người giúp lễ đọc trên bậc thềm cung thánh (Kinh tiến bậc).   

Tội không chỉ là một đặc điểm không thể tránh của bản chất con người, mà cũng là một điều riêng tư sâu kín nhất của mỗi cá nhân. Do đó mà mỗi người chỉ có thể thú nhận cho chính mình. Mặt khác, cùng đọc chung với cộng đoàn Kinh Sám Hối nói đến một bình diện quan trọng khác của tội: đó là trách nhiệm với cộng đoàn. Một con sâu làm rầu nồi canh: những điều sai trái của mỗi cá nhân không chỉ có ảnh hưởng xấu đến tâm hồn của người đó, mà còn gây thương tích và ảnh hưởng xấu đến cả cộng đoàn và Giáo Hội.

Đó có thể là “những điều thiếu sót”, do đã bỏ qua những cơ hội để giúp đỡ đồng loại hay những sao nhãng vô tình. Đó cũng có thể là những hành động được tập dượt trong tính toán suy nghĩ - nên tội đã bắt đầu từ “trong tư tưởng”. Ngôn ngữ là một phương tiện để chúc tụng ca ngợi Thiên Chúa, để loan truyền điều tốt lành và gây tạo hòa bình. Nhưng thực tế cuộc đời cho thấy lời nói được dùng để gây chia rẽ, dèm pha và tạo bất bình. Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ đã nhận ra vai trò của lời nói khi ngài viết: “Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác... Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa” (3,2-10). Đọc Kinh Sám Hối vì thế là việc bộc lộ tình trạng nội tâm, cũng như tuyên xưng niềm tin rằng chúng ta cũng sẽ được xét xử, thưởng phạt theo việc mình đã làm (Mt 16,27). Việc làm của chúng ta làm hôm nay sẽ theo ta mãi (Kh 14,13).

Tội luôn là kiêu căng tự phụ, cho rằng tự mình sẽ làm được mọi sự mà không cần đến Thiên Chúa. Đấm ngực và nói “lỗi tại tôi” là cử chỉ của kẻ khiêm nhường hối tội, diễn tả tâm tình thống hối ăn năn nhìn nhận thân phận tội lỗi (Lc 18,13), khi đối diện với Đấng yêu thương mình là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng biết rõ mọi sự (Ga 21,17). Trước tòa Thiên Chúa, chúng ta cần đến Đức Ma-ri-a, các thiên thần, các thánh - là những vị cùng đến xét xử với Thiên Chúa trong “Ngày của Chúa” (Lc 22,30) -, cũng như người chung quanh cầu thay nguyện giúp cho ta. Nhìn nhận thân phận yếu hèn của mình luôn đi đôi với sự công nhận lòng từ ái, sự thánh thiện cao cả của Thiên Chúa. Và vì vậy, kinh “Tôi thú nhận” cũng luôn là lời chúc tụng lòng nhân ái của Thiên Chúa. Linh mục kết thúc lời thú tội bằng lời xá giải. Cộng đoàn đáp A-men.

Trong những thập niên gần đây, Trung Đông đã thực sự trở thành Điểm Nóng thế giới.

Trước đây 3000 năm, khi dân Israel được Thiên Chúa giải  thoát khỏi cảnh tù đày Ai Cập một cách kỳ lạ dưới sự chỉ đạo của ông Mai Sen, Thiên Chúa đã hứa “ban cho họ đất Cana, miền tràn đầy sữa và mật ong”.   Dưới sự lãnh đạo của Joshua, Thiên Chúa để cho Israel đi chinh phạt dân Cana và định cư tại đó. Cuối cùng vua David đã làm chủ được thị trấn “Zion”, rồi đổi thành “Thị trấn David”. Israel đã trở thành một quốc gia hùng mạnh dưới trào David và Solomon và lấy Jerusalem làm thủ đô. Solomon xây đền thờ rất huy hoàng Sau khi vua Solomon băng hà, Israel bị chia làm hai. Jerusalem tiếp tục là thủ đô của vương quốc miền Nam Judah.

Khi quân đội La Mã dẹp tan cuộc nội loạn của Do Thái vào năm 70, thì Jerusalem và Đền Thờ lại một lần nữa bị phá tan hoang. Nhiều thế kỷ sau, vào năm 638, người Ả Rập Hồi Giáo chiếm thị trấn. Từ đó Jerusalem cứ thế thay đổi chủ này qua chủ khác nhiều lần. Năm 1517 đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman nắm quyền thống trị Trung Đông trong 4 thế kỷ.

Năm 1917, thời thế chiến I, Anh đánh bại đế quốc Ottoman và chiếm được Đất Thánh, lúc đó gọi là Palestine. Cuối cùng năm 1948 sau khi Anh Quốc vì áp lực phải nhường quyền, LHQ đã chia vùng đất này thành hai: Ả Rập và Do Thái.  Khi Anh quốc rút lui, thì tân quốc gia Israel được khai sinh. Ít giờ sau, quân đội của năm quốc gia Ả Rập ở chung quanh tấn công Israel, với quyết tâm tiêu diệt luôn. Nhưng sau nhiều tháng chiến đấu, Israel đã thắng. Tuy nhiên, họ còn phải tiếp tục cuộc chiến tự vệ qua những năm 1956, 1967 và 1973  và vì nhiều sung khắc bất đồng lớn khác nữa.  Trong trận chiến 6 ngày năm 1967 Israel đã kiểm soát được Thị Trấn Cổ -tức phía Đông Jerusalem gồm cả Đồi Đền Thờ. Tuy nhiên để bớt áp lực và tránh đụng độ lớn, Israel đã để Hồi Giáo kiểm soát tôn giáo ở Đồi Đền Thờ.

Phong trào bài Do Thái vẫn tiếp tục trên toàn thế giới. Iran nhất định chế tạo khí giới hạch nhân. Syria hoang tàn vì nội chiến. Cuộc xung đột Ả Rập-Israel bùng nổ. Kháng chiên quân Hồi Giáo muốn tiêu diệt Israel. Họ ghét cay ghét đắng Hoa Kỳ vì đã ủng hộ và yểm trợ Israel.  Ngày nay, Israel là nước nhỏ phải chống trả với một láng giềng thù nghịch lớn có 57 quốc gia Hồi Giáo, và cả 22 nước Ả Rập nên Israel thường coi mình như David chống cự với anh chàng khổng lồ Goliah.

Những gì đang xảy ra tại vùng Trung Đông đe dọa Hòa Bình và sự sống còn của thế giới. Các nhà lãnh đạo trên thế giới cố gắng tìm giải pháp nhưng càng ngày càng khó. Chúng ta cầu xin Chúa Giêsu trở lại sớm để ban hòa bình, không chỉ cho Jerusalem mà cho toàn thế giới.    

( Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh)