Lễ đã xong,

chúc anh chị em đi bình an 

Theo truyền thống phụng vụ Rô-ma, Thánh Lễ được kết thúc với lời: “Ita, missa est!” - nghĩa là “Hãy đi, đây là kết thúc!” Tự nguồn gốc, lời này được sử dụng trong lãnh vực dân sự thời Rô-ma như một công thức để kết thúc một buổi họp. Chữ missa được dùng trong Thánh Lễ từ đó. Và dần dần, “lời cuối” này của Thánh Lễ đã trở nên cách gọi cho cả Thánh Lễ, giống như trong nhiều ngôn ngữ Châu Âu: mass, messe.

“Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an” là một cách giải thích cho lời kết thúc đó, khi sự từ giã được mang tính hòa giải ấm cúng. Phụng vụ Byzanz cũng mang ý nghĩa tương tự: “Chúng ta về trong bình an.” Vì lời kết thúc Thánh Lễ đã được nối kết với việc ban phép lành từ rất sớm, nên missa được hiểu như là một phép lành Chúa ban cho người tham dự lễ. Ơn lành mà người tham dự lễ đón nhận luôn cũng là một trách nhiệm; missa vì thế được hiểu như một sự sai đi, là missio. Hiểu như vậy, missa không chỉ là kết thúc, mà là một khởi đầu của việc sống chứng nhân. Đời sống của Ki-tô hữu phải là “Thánh Lễ nối dài”: lãnh nhận những hồng ân và Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa để loan báo và chia sẻ cho người khác. Bình an và hiệp nhất phải thành xương thành thịt trong cuộc sống hằng ngày người tham dự Thánh Lễ; khi họ “trở về với công việc tốt lành của mình, vừa ngợi khen và chúc tụng Chúa” (57b).

Sau lời giải tán cộng đoàn, linh mục chủ lễ hôn bàn thờ như trước khi bắt đầu lễ, rồi cùng các người giúp lễ chào kính bàn thờ mà ra về (125). Trong mùa Phục Sinh, lời “Lễ đã xong ...” được nối kết với lời tung hô phục sinh “Ha-lê-lui-a”. Theo tập tục phổ biến, cộng đoàn còn có thể hát một bài kính Đức Mẹ và đọc kinh kết thúc.