Đó là các lời nguyện được một hay vài giáo dân đọc sau bài Tin Mừng trong các ngày thường, cũng như sau Kinh Tin kính trong ngày Chúa Nhật hoặc lễ trọng. Các lời nguyện này còn được gọi là “Lời nguyện cho mọi người”, “Lời nguyện Dân Chúa”, “Lời nguyện chung” hay “Lời nguyện tín hữu”. Vì theo truyền thống, đây là những lời nguyện của những ai đã đón nhận bí tích rửa tội để trở nên thành viên của cộng đoàn Dân Chúa.
Thánh Phê-rô gọi Ki-tô hữu “là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (1 Pr 2,9), vì họ là những chi thể của một Đức Ki-tô. Và nếu là Ki-tô hữu thì không được phép ích kỷ trong suy nghĩ, cầu nguyện và hành động. Trái lại, cũng như Đức Ki-tô, họ được mời gọi phục vụ cho ơn cứu độ nhân loại. Cầu nguyện cho nhau và cho tất cả mọi người là một trách nhiệm của người tín hữu trong cộng đoàn (1 Tim 2,1-4; Ep 6,18).
Khi cầu nguyện cho “các nhu cầu của Hội Thánh; cho các người trong chính quyền và cho toàn thế giới được ơn cứu độ; cho các người đang gặp bất cứ khó khăn nào; cho cộng đoàn địa phương”, cộng đồng Dân Chúa thực thi ơn gọi thông phần vào chức Tư tế của Đức Ki-tô, Đấng là đầu và “làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được cấu kết chặt chẽ, và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình” (46). Từ những lý do thần học nói trên, Quy Chế Tổng Quát về Thánh Lễ khuyên nên đọc Lời nguyện này trong các Thánh Lễ có giáo dân tham dự.
Vì là phần riêng của tín hữu, nơi “chính dân Chúa thực hiện chức vụ tư tế của mình”, nên linh mục chủ tế chỉ nên điều khiển trong vài lời “vắn tắt mời tín hữu cầu nguyện và đọc lời nguyện để kết thúc” mà thôi. Cộng đoàn biểu lộ lời nguyện của mình bằng những lời kêu cầu chung sau khi mỗi ý nguyện được xướng lên, hay bằng cách cầu nguyện trong thinh lặng (45.47). Các lời nguyện được đọc thường được chuẩn bị sẵn; tuy vậy, trình bày một cách bộc phát cũng rất được ưa chuộng trong các Thánh Lễ nhóm nhỏ.
Lời nguyện giáo dân là một trong những thành phần cổ nhất của Thánh Lễ và đã được Thánh Giustin Tử Đạo (165) nhắc đến. Trong thế kỷ đầu, nghi thức này được cử hành sau khi một người lãnh nhận bí tích rửa tội và sau bài giảng. Truyền thống cầu nguyện cho mọi người biến mất dần vào thế kỷ thứ 5, khi Giáo Hoàng Gelasius (492-496) cho thay thế nghi thức này bằng một kinh cầu (Xin Thương Xót) trước phần phụng vụ Lời Chúa. Công Đồng Vatican II đã tái lập lời nguyện giáo dân vào phần Phụng Vụ Lời Chúa.