Là lời mà Đức Ki-tô đã nói trong bữa ăn sau hết với các Tông Đồ (Tiệc Ly) và được linh mục đọc lại để thánh hiến bánh và rượu trong mỗi Thánh Lễ: “Tất cả các con cầm lấy mà ăn: Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Tất cả các con cầm lấy mà uống: Này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”

Qua lời truyền phép, bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Ki-tô - là dấu hiệu cho sự hiện diện thực sự, hoàn toàn và không phân chia của Người. Đây là phần căn cốt của Thánh Lễ. Ngay từ thuở đầu của Giáo Hội, các nhà thần học đã cố gắng tìm cách giải thích sự biến đổi và hiện diện đó. Để chống lại những cách giải thích sai lầm trong lịch sử, nên một mặt việc sự hiện diện thật sự và thực thể của Đức Giê-su Ki-tô trong hình bánh rượu được nhấn mạnh. Mặt khác, Giáo hội cũng nhắc rằng sự hiện diện này là một “Mầu Nhiệm của Đức tin”, độc nhất vô nhị và không thể so sánh. Công Đồng Lateran (1215) và Trient (1551) đã dùng đến khái niệm “biến đổi bản thể” (Transsubstantiation) để mô tả thực tại “kỳ diệu và đặc biệt” này. Đây là một khái niệm khó hiểu lấy từ triết học Hy-lạp.

Bản thể (Substanz) được hiểu như là “thực chất, cốt tử”; là điều không thay đổi làm nên căn cốt của một vật chất. Thí dụ, bản thể của cơm bánh là để làm cho no khỏe, để nuôi sống con người. Người ta nhận biết bản thể bằng tri thức - nghĩa là điều mà không thấy bằng mắt, không sờ nắm và cân đo được; cũng không là chất liệu mà ngành hóa học và vật lý sử dụng để chế biến. Mặt khác, màu sắc, hình thù bên ngoài, hay mùi vị của bánh được gọi là “phụ thể hay tùy thể” (Akzidens) trong ngôn ngữ triết học. Qua việc hiến thánh, bản thể của bánh được biến đổi - nhưng “phụ thể” vẫn không thay đổi. Như thế, điều làm nên giá trị của tấm bánh được biến đổi, không phải là bề ngoài của bánh.