Rước mang của lễ đến bàn thờ là một tập tục có từ thế kỷ thứ 3.
Cộng đoàn ca hát khi rước; trước là để giảm bớt sự ồn ào tiếng động và sự chia trí, sau nữa các lời ca cũng diễn giải tinh thần của cuộc lễ. Nhưng rước dâng của lễ như vậy khác với việc đem lễ vật tới bàn thờ các thần thánh; vì lễ phẩm của Thánh Lễ không là bánh rượu được mang tới, mà chính là “Mình đã trao nộp và Máu đã đổ” của Đức Ki-tô.
Ở Giáo Hội Đông Phương và Pháp, các tín hữu thường để lễ vật mà họ mang đến ở trong một căn phòng, cạnh cửa vào nhà thờ. Sau phần Phụng Vụ Lời Chúa, các giáo sĩ rước dâng bánh và rượu từ chỗ đó lên bàn thờ. Tại Rô-ma và Bắc Phi, của lễ được những người đại diện hoặc do chính cộng đoàn rước dâng. Nơi thềm cung thánh, của lễ được giám mục và linh mục đón nhận và các phó tế đổ chung rượu vào những chén lớn. Phần không sử dụng cho Thánh Lễ được đặt trên các bàn nằm trong các cạnh ngang nhà thờ, và được dùng để chia cho người nghèo. Tập tục này giảm và mất dần trong gian đoạn đầu của thời Trung cổ ở Giáo Hội Tây Phương. Trước hết, vì quan niệm cho rằng bánh mì ăn hằng ngày có pha men không xứng hợp cho Thánh Lễ, sau nữa vì số người rước lễ cũng giảm dần. Cũng vì vậy mà sự tham gia của các tín hữu vào các nghi thức trong Thánh Lễ ít dần hoặc mất hẳn đi.
Ngày nay, nghi thức tín hữu trao dâng của lễ được Giáo Hội khuyến khích, và truyền thống này được duy trì trong các dịp lễ Chúa Nhật hay lễ trọng (49). Đây là một cung cách đầy ý nghĩa, nói lên sự hiệp thông của người dự lễ vào hiến tế của Đức Ki-tô và của Giáo Hội. Hiệu lực và ý nghĩa thiêng liêng của nghi thức dâng lễ phẩm vẫn không thay đổi, mặc dù ngày nay, giáo dân không còn mang theo bánh rượu đến để dùng vào việc phụng vụ như xưa. Dấu tích còn lại của việc dâng của lễ là việc quyên góp tiền trong nhà thờ trong lúc linh mục chuẩn bị lễ phẩm - để giúp người nghèo và phục vụ những nhu cầu của Hội Thánh.