Ca đoàn
Trong Ki-tô giáo, chữ “ca đoàn” trước hết được dùng để chỉ các đoàn thiên thần và các thánh hát ca chúc tụng Thiên Chúa trong triều thần thiên quốc, rồi sau đó được dùng để gọi việc ca tụng của cộng đoàn mừng lễ. Vào thời đầu Trung cổ đã hình thành từ cộng đoàn tín hữu một nhóm ca viên trong giờ Kinh phụng vụ của giáo sĩ. “Ca đoàn giáo sĩ” này hát chung với cộng đoàn phần Ordinarium, tức là năm bài thánh thi cố định trong Thánh Lễ - Kinh Thương Xót, Kinh Vinh Danh, Kinh Tin Kính và Thánh! Thánh! Chí Thánh! Nhóm hát tụng ca này về sau đảm nhiệm một mình việc hát ca trong Thánh Lễ, khi sự tham dự của cộng đoàn yếu dần. Ngoài ra, còn có một Schola - gồm những ca viên hát các bài thay đổi trong mỗi Thánh Lễ, gọi là Propium: ca nhập lễ, đáp ca, lời sau Ha-le-lui-a, ca tiến lễ, ca hiệp lễ.
Thời Trung cổ, chữ “ca đoàn” (Chor) cũng còn được dùng để chỉ chỗ đứng của ca đoàn trong Nhà thờ. Những người hát lúc đầu đứng trong cung thánh, trên một chỗ được nâng cao như một sân khấu, tách rời khỏi cộng đoàn. Vì những đòi hỏi nghệ thuật, dần dà ca đoàn giáo sĩ không còn hát Ordinarium một mình được nữa, nên các ca viên giáo dân được nhận vào. Cũng từ đây, các ca đoàn giáo xứ được hình thành.
Thời kiến trúc Barock (thế kỷ 17-18) chỗ đứng của ca đoàn được đưa ra phía sau, trên cửa vào nhà thờ. Ca đoàn như chúng ta biết ngày nay trong các giáo xứ được phát triển từ các ca đoàn giáo dân vào thế kỷ 19. Cho đến thế kỷ thứ 18, các ca đoàn chỉ dành cho nam giới. Từ thời Giáo Hoàng Gregor I (+ 604), có những trường đào tạo các ca viên thiếu niên (schola cantorum) hát đặc biệt cho các nghi lễ Giáo Hoàng tại Rô-ma.
Bầu khí long trọng cho buổi lễ không thể thiếu sự góp phần của ca đoàn. Nhiều giáo xứ có nhiều ca đoàn cho từng lứa tuổi: người già, thanh niên, thiếu nhi. Là một thành phần của cộng đoàn với một chức năng phụng vụ riêng trong Thánh Lễ, ca đoàn cần đứng ở một vị trí thích hợp (274).
Ca nhập lễ, ca tiến lễ,
ca hiệp lễ, ca kết lễ
Ca hát là một cách diễn tả rõ ràng - của niềm vui hay nỗi buồn sâu kín của tâm hồn - được các Tông Đồ khuyến khích (CVTĐ 2,46; Cl 3,16). Khi ca hát ta hít thở sâu mạnh hơn, nghĩa là cần đến toàn cả thân xác và sự tập trung của tinh thần. Vì thế, việc ngợi khen Thiên Chúa bằng lời ca tiếng hát được coi như là “hai lần cầu nguyện”. Và “người nào yêu thì hát”, như thánh Âu-tinh nói (19).
Ca nhập lễ “mở đầu việc cử hành thánh lễ, giúp giáo dân thêm hiệp nhất, hướng tâm hồn họ vào mầu nhiệm mùa phụng vụ” (25). Bài thánh ca đầu lễ cũng giúp người dự lễ “nâng tâm hồn lên cùng Chúa” (Tv 25,1), tạo sự liên lạc giữa người dự lễ và Thiên Chúa. Cộng đoàn được mở lối đến gặp gỡ Thiên Chúa sống động, vì người tín hữu cần sự hiện diện gần gũi của Chúa, cần sự hướng dẫn và cần được nuôi sống bằng ân phúc và chân lý của Người.
Như thế, các bài thánh ca giúp liên kết những người tham dự thánh lễ với nhau khi họ cùng chung lời ca tụng Chúa theo một nhịp điệu nhất định. Hát còn cởi mở chúng ta khỏi vòng ôm của đời sống hằng ngày - để mừng Thánh Lễ trong tự do của người con cái Thiên Chúa (Rm 8,21). Hát ca còn tạo vẻ long trọng và biểu lộ xác tín niềm tin chung vào Chúa Ki-tô. Trong lúc cộng đoàn hát mở đầu nghi thức Thánh Lễ, linh mục và các người giúp lễ đi ra từ phòng mặc áo và tiến tới bàn thờ.
Ca tiến lễ bắt nguồn từ thật xa xưa, lúc người dự lễ còn mang theo những sản phẩm và “hoa màu của ruộng đất” làm lễ phẩm lên trước bàn thờ, để bắt đầu phụng vụ Thánh Thể. Cuộc rước này của cộng đoàn thường được phụ họa bằng lời ca tiếng hát, cốt để giảm bớt sự ồn ào, tiếng động và chia trí; đồng thời các lời ca cũng diễn giải tinh thần của việc đưa rước. Ngày nay, trong khi quyên góp và khi rước lễ phẩm cho tới khi đặt lễ phẩm trên bàn thờ, cộng đoàn hay ca đoàn hát tiến lễ (50).
Ca hiệp lễ đồng hành với người đi lên chịu lễ. Các bài hát này giúp nội tâm hóa hành động của cơ thể, “diễn tả sự đồng tâm hiệp nhất thiêng liêng giữa những người rước lễ, khi họ đồng thanh ca hát, đồng thời biểu lộ niềm vui trong tâm hồn và làm cho việc tiến lên rước Mình Thánh Chúa có tính cách huynh đệ hơn” (56i). Sau khi Thánh Lễ kết thúc, cộng đoàn có thể hát một bài thánh ca, thông thường về Đức Mẹ - Ca kết Lễ.