Cầm ăn từ một bánh đã được bẻ ra và uống chung từ một chén là thói quen của người Do-thái, và là cử chỉ mà Đức Giê-su cũng đã làm (1 Cr 11,23tt). Cho đến thế kỷ thứ 13, việc rước lễ bằng hai hình thức trên là cách thức thông dụng. Bánh Thánh được linh mục đặt vào tay, và các tín hữu uống chung từ chén lễ lớn. Về sau, lòng tôn kính Mình Thánh Chúa tăng cao đến mức làm người xưa lo ngại rằng Mình và Máu Thánh sẽ bị ô uế khi các phần vụn lúc bẻ và lúc lãnh nhận có thể rơi xuống, hay rượu lúc uống có thể đổ tháo. Và từ đó, việc rước lễ dưới hai dạng bị ngừng. Công Đồng Konstanz (1415) cấm rước Máu Thánh, cũng là để chống lại quan điểm của phái Hussiten, cho rằng ơn cứu độ lệ thuộc vào việc rước Mình và cả Máu Chúa.
Công Đồng Vatican II đề cập lại việc rước Máu Thánh và thừa nhận rằng: “Xét về phương diện dấu chỉ, việc hiệp lễ dưới hai hình có một hìn thức đầy đủ hơn. Quả thật, dưới cách thức này, dấu chỉ của bữa tiệc Thánh Thể được sáng tỏ hơn. Ý muốn thiết lập Giao ước mới và vĩnh cửu trong Máu Thánh của Thiên Chúa cũng được biểu lộ rõ ràng hơn. Đồng thời, mối tương quan giữa bữa tiệc Thánh Thể và bữa tiệc cánh chung trong nước Chúa Cha được diễn tả minh bạch hơn” (240).
Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rô-ma nêu 14 trường hợp được cho phép rước Máu Thánh “sau khi đã dạy giáo lý cách thích đáng”. Tùy theo nhu cầu mục vụ, Hội Đồng Giám Mục có thể ấn định cụ thể thêm. Bốn cách thức đón nhận được nói đến là: uống trực tiếp từ chén, bằng ống hút, bằng thìa và bằng cách chấm (243tt). Dù việc rước Máu Thánh được cổ võ, nhưng cũng không nên quên rằng: “theo đức tin Công Giáo, dù rước lễ dưới một hình, họ cũng lãnh nhận trọn vẹn Chúa Ki-tô và bí tích thực thụ” (241).