Chúa Ki-tô tha thiết mời gọi mọi tín hữu đón nhận Người trong hình bánh rượu, như Thánh Sử Gio-an viết: “Thật, tôi bảo các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” (Ga 6,53).
Đời sống Ki-tô hữu được nuôi dưỡng bằng Mình Máu Thánh. Vì thế, Hội Thánh “hết sức khuyến khích các tín hữu rước lễ”, và buộc mọi tín hữu phải rước lễ một năm ít là một lần, nếu được vào mùa Phục sinh (GL 918.20).
Trong Thiên Niên Kỷ đầu, thói quen đứng khi “chịu lễ” được phổ biến ở Giáo Hội Đông và Tây, nhất là khi còn rước Máu Thánh. Vào thế kỷ thứ 12, người ta bắt đầu có thói quen quỳ gối khi rước lễ. Từ Công Đồng Vatican II, tập tục nguyên thủy lại được ưa chuộng.
Đón nhận Mình Máu Chúa vào lòng là một biến cố trọng đại, cần đến sự chuẩn bị chu đáo. Thánh Phao-lô khuyên rằng: “bất cứ ai ăn Bánh hay uống chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1 Cr 27-29). Giáo Hội nhắc: “Ai ý thức mình phạm tội trọng và chưa xưng tội trước, thì không được làm lễ và không được rước lễ.” Hòa giải với Thiên Chúa, với chính mình và với đồng loại là điều kiện để lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa (GL 916).
Khi trẻ em đủ trí khôn, có khả năng phân biệt Mình Chúa Ki-tô với của ăn thông thường, hay nhận biết mầu nhiệm Chúa Ki-tô tùy theo khả năng, và “có thể lãnh lấy Mình Chúa với lòng tin và sùng kính” thì được chuẩn bị cho việc rước lễ lần đầu.
Thông thường, quá trình chuẩn bị cho Bí tích này bắt đầu với các em đã biết đọc sành sõi, học khoảng từ lớp 3 trở lên.
Những ai đã được rửa tội đều có quyền đón nhận Mình Chúa Ki-tô, trừ những người mắc vạ tuyệt thông. Thí dụ như khi phá thai, chối đạo, lạc giáo, ly giáo hay đã phạm sự thánh. Ý thức mình đã phạm tội nặng mà chưa xưng tội cũng là một ngăn cản cho việc rước lễ, trừ khi có lý do quan trọng chính đáng không thể xưng tội trước được.
Lòng tôn kính Thánh Thể đã đưa đến việc kiêng ăn và uống một giờ trước khi rước lễ. Giáo Hội buộc mọi tín hữu phải rước lễ một năm ít là một lần, ít là vào mùa Phục Sinh (GL 912 tt). Nếu ai tham dự hai Thánh Lễ trong một ngày, thì vẫn có thể rước lễ lần nữa (GL 917).
Cầm ăn từ một bánh đã được bẻ ra và uống chung từ một chén là thói quen của người Do-thái, và là cử chỉ mà Đức Giê-su cũng đã làm (1 Cr 11,23tt). Cho đến thế kỷ thứ 13, việc rước lễ bằng hai hình thức trên là cách thức thông dụng. Bánh Thánh được linh mục đặt vào tay, và các tín hữu uống chung từ chén lễ lớn. Về sau, lòng tôn kính Mình Thánh Chúa tăng cao đến mức làm người xưa lo ngại rằng Mình và Máu Thánh sẽ bị ô uế khi các phần vụn lúc bẻ và lúc lãnh nhận có thể rơi xuống, hay rượu lúc uống có thể đổ tháo. Và từ đó, việc rước lễ dưới hai dạng bị ngừng. Công Đồng Konstanz (1415) cấm rước Máu Thánh, cũng là để chống lại quan điểm của phái Hussiten, cho rằng ơn cứu độ lệ thuộc vào việc rước Mình và cả Máu Chúa.
Công Đồng Vatican II đề cập lại việc rước Máu Thánh và thừa nhận rằng: “Xét về phương diện dấu chỉ, việc hiệp lễ dưới hai hình có một hìn thức đầy đủ hơn. Quả thật, dưới cách thức này, dấu chỉ của bữa tiệc Thánh Thể được sáng tỏ hơn. Ý muốn thiết lập Giao ước mới và vĩnh cửu trong Máu Thánh của Thiên Chúa cũng được biểu lộ rõ ràng hơn. Đồng thời, mối tương quan giữa bữa tiệc Thánh Thể và bữa tiệc cánh chung trong nước Chúa Cha được diễn tả minh bạch hơn” (240).
Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rô-ma nêu 14 trường hợp được cho phép rước Máu Thánh “sau khi đã dạy giáo lý cách thích đáng”. Tùy theo nhu cầu mục vụ, Hội Đồng Giám Mục có thể ấn định cụ thể thêm. Bốn cách thức đón nhận được nói đến là: uống trực tiếp từ chén, bằng ống hút, bằng thìa và bằng cách chấm (243tt). Dù việc rước Máu Thánh được cổ võ, nhưng cũng không nên quên rằng: “theo đức tin Công Giáo, dù rước lễ dưới một hình, họ cũng lãnh nhận trọn vẹn Chúa Ki-tô và bí tích thực thụ” (241).
Ông từ
là người coi sóc nhà thờ và thường ở cạnh bên. Ông từ có nhiệm vụ chuẩn bị bàn thờ (và nhà thờ) cho Thánh Lễ, cũng như cho các nghi thức phụng vụ khác. Giật chuông, mở đóng cửa cũng là công việc của ông từ. Không chỉ lo lắng cho sự sạch sẽ của nhà thờ, các vật dụng dành cho phụng vụ và cho trật tự bên ngoài, ông còn giúp đỡ trong việc tạo bầu khí trang nghiêm trong phòng thánh trước khi các nghi thức được cử hành. Ở nhiều nơi, làm ông từ là một công việc tình nguyện.
Phẩm phục
Trong mọi nền văn hóa và qua các thời đại, phẩm phục là một phương tiện để biểu lộ chức vụ và giai cấp. Phẩm phục nâng nhấc kẻ mang nó lên một trách nhiệm đặc biệt và cao hơn mọi người. Những gì thuộc về cá nhân được đẩy lùi lại phía sau, khi người mang phẩm phục thực hiện vai trò của mình.
Cho rằng chỉ những gì quí hóa và đẹp đẽ nhất mới xứng đáng cho Thiên Chúa, sách Xuất Hành ấn định tỉ mỉ rõ ràng về người, cách may, chất liệu của các phẩm phục và dụng cụ dùng trong Đền Thờ. Từ ban đầu, đã có yêu cầu cần những áo quần trang trọng và chỉ dành riêng cho các nghi thức phụng vụ. Sau thay đổi thời Konstantin vào thế kỷ thứ 4, hàng giáo sĩ có một chỗ đứng chắc chắn trong trật tự xã hội. Và vì thế, họ được quyền mang phù hiệu và phẩm phục dành riêng cho các giai cấp cao. Dưới thời Karolinger (thế kỷ thứ 7-8), mỗi phần của lễ phục được làm phép, mang một ý nghĩa riêng và có một lời nguyện được đọc trước khi mặc. Hình thức và chất liệu cho phẩm phục thì do Hội Đồng Giám Mục ấn định (304-305).
Phẩm phục được mặc trong Thánh Lễ tùy theo chức vụ khác nhau của đoàn hành lễ: giám mục, linh mục, phó tế, giúp lễ hay cá thừa tác viên phụng vụ khác, và làm tăng thêm sự trang trọng của các nghi thức phụng vụ. Các phẩm phục ngày nay có nguồn gốc từ thời Rô-ma và có 3 phần chính: áo lễ (Kasel), áo dài trắng (Albe) và dây các phép (Stola). Áo lễ xuất phát từ áo choàng ngoài để che nắng che mưa của người Rô-ma bình dân. Từ thế kỷ thứ 4, áo bào này cũng được mặc trong các dịp lễ. Các lễ phục được phát triển dần dần từ nhiều lý do khác nhau.
Màu sắc tự chúng có sức thể hiện mạnh, nên vẫn được dùng như những biểu tượng trong mọi văn hóa. Các màu phụng vụ Ki-tô Giáo đến từ lãnh vực thường dân. Ở đó, màu sắc biểu hiện cho chức vị, cơ nghiệp và sự linh đình của các ngày lễ.
Trên các hình khảm (Mosaik) thời Ki-tô Giáo sơ khai, các giám mục mặc áo choàng màu áo đỏ sẫm; phó tế hầu như chỉ mang màu trắng. Từ thời Karolinger (thế kỷ thứ 8/9), người ta bắt đầu phân chia màu sắc cho các lễ. Ấn định chính thức về màu sắc phụng vụ có từ thế kỷ 13 dưới thời Giáo Hoàng Innozenz III (+1216), và trở thành luật buộc cho phụng vụ Rô-ma sau Công Đồng Trient (1540-1563).
Đúng ra, Thánh Lễ được bắt đầu với Bí Tích Rửa Tội để nhập đạo. Lúc đó, người rửa tội đổ nước lên đầu thỉnh nhân và nói: “Tôi rửa T., nhân danh Chúa Cha và Chúa con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Nền tảng và việc bắt đầu cuộc sống niềm tin Ki-tô Giáo được nhắc lại, khi mỗi khi người tín hữu giơ tay nhúng vào bình nước thánh nơi cửa nhà thờ, rồi làm Dấu Thánh Giá nhân danh Chúa Ba Ngôi. Tập tục đạo đức này cũng như việc rảy Nước Thánh trên cộng đoàn trong nghi thức Sám Hối đầu lễ (Esperge) đã có từ thế kỷ thứ 8. Những cử chỉ này cũng đã được hiểu như là một hình thức thanh tẩy nội tâm, hay như một lời cầu xin Thiên Chúa thánh hóa cộng đoàn.
Bí tích Rửa Tội là cửa dẫn lối đến Bàn Tiệc Thánh và đến Bí Tích Thánh Thể. Tham dự Thánh Lễ là sống bí tích rửa tội, nên chỉ có ai đã được rửa tội thì mới tham dự Thánh Lễ cách trọn vẹn. Nước rửa tội dùng để làm dấu nơi cửa nhà thờ đã được làm phép trọng thể trong Đêm Phục Sinh - một tục lệ hình như đã có từ hậu bán thế kỷ ba. Nước Thánh cũng được dùng trong các nghi thức làm phép khác (nhà cửa, ảnh tượng...)
Chúng ta cũng nên nhớ rằng, khi Giáo Hội làm phép nước thì nước đó được gọi là Nước Thánh. Giáo hội làm phép Nước Thánh trước tiên là để dùng cho bí tích Thanh Tẩy – tức là bí tích rửa tội. Sau đó Nước Thánh đó được dùng cho các Á-bí-tích, tức là làm phép nhà, phép tượng ảnh, chấm và làm dấu thánh giá tại cửa nhà thờ…
Nước Thánh được Giáo Hội làm phép chỉ dùng để rảy chứ không dùng để uống. Nếu anh chị em xin linh mục ban phép lành cho nước uống, thì đó chỉ là nước được chúc lành chứ không là Nước Thánh. Nếu anh chị em đi hành hương tại Lộ Đức, Banneux mang nước tại đó về thì đó là nước được Đức Mẹ chúc lành chứ không phải là Nước Thánh.
Những thay đổi trong nghi lễ, được tạo ra bởi phong trào Cải Giáo và Chống Cải Giáo, cũng không khỏi gây ảnh hưởng đến kiến trúc nhà thờ. Công giáo cũng như Tin Lành đều nhấn mạnh việc thuyết giảng và lắng nghe Lời Chúa. Mặc dù trước đó đã có ghế trong nhà thờ, nhưng từ lúc này, người ta để ý đến phương tiện để ngồi trong nhà thờ nhiều hơn; nam nữ cũng được sắp xếp ngồi riêng biệt.
Thế kỷ thứ 18-20 là giai đoạn đình trệ ứ đọng, hiếm có những sáng kiến mới trong phụng vụ và kiến thiết nhà thờ. Đầu thế kỷ thứ 20, kiến trúc từ giã Duy Sử thuyết (Historismus) và sau đệ nhị thế chiến, các lối kiến trúc mới ngoài tôn giáo có tính thực dụng cũng ảnh hưởng đến việc xây nhà thờ. Nhưng các thúc đẩy có ảnh hưởng mạnh nhất đến từ “phong trào thay đổi phụng vụ”. Do việc nhấn mạnh tính cộng đoàn và vai trò chủ động không thể thiếu của tín hữu trong các nghi lễ, các kiến trúc nhà thờ phải là một mời gọi sự tham gia tích cực vào các nghi lễ. Mục đích này đòi hỏi vật liệu nguyên chất, cũng như những cách trang bị và tổ chức khác để đáp ứng được những nhu cầu của cộng đoàn. Bởi vậy, hình thức tròn hay bán nguyệt, không có những trang trí rườm rà nói chung được ưa chuộng - vì chúng giúp tập trung quy tụ người dự lễ. Kiến trúc, cuối cùng, phải giúp người tham dự Thánh Lễ hiểu rằng: quan trọng đối với một Thánh Đường không phải là kiểu cách hay khuôn khổ, mà là sự sống động vì Chúa ở giữa họ và bởi chính họ là “những viên đá sống động” để xây Nhà Chúa.