Cũng còn được gọi là “Thầy Sáu”, dựa vào chức bậc theo trật tự cũ. Chức vụ phó tế chiếm địa vị cao nhất trong số các thừa tác viên, vì chức bậc này được tôn trọng ngay từ thời đầu của Hội Thánh. Bảy người mà sách Công Vụ Tông Đồ (6,1-6) nói đến được coi như những “tiền bối” của chức Phó Tế. Họ được cộng đoàn chọn lựa và được các Tông Đồ đặt tay sau khi đã cầu nguyện - để trở nên những trợ tá giúp các Tông Đồ “lo việc ăn uống” (6,2). Nhưng về sau, các trợ tá này cũng đã giảng dạy, loan báo Tin Mừng và truyền giáo, ngay cả việc rửa tội như Tê-pha-nô và Phi-lip-phê làm. Tiêu chuẩn để chọn lựa những trợ tế được đặt ra là: có “được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan” (CVTV 6,3); phải “đàng hoàng, biết giữ lời hứa, không rượu chè say sưa, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn, phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong lương tâm trong sạch.” Thêm vào đó, họ phải được thử thách trước và không bị ai khiếu nại cả (Tim 3,8-12).
Các phó tế đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các giám mục quản lý tài sản và lo lắng cho người nghèo. Trong khi các linh mục đảm nhận các họ đạo, các Thầy Sáu cũng đảm nhận công việc trong phụng vụ. Giám mục Tử Đạo Ignatius von Antiochien (+117) đã nhắc đến nhiệm vụ này như là một trong ba chức bậc cố định để tiến đến chức linh mục. Nhiệm vụ của các phó tế được Công Đồng Vatican II mô tả như sau: Họ “phục vụ Dân Thiên Chúa bằng việc phụng vụ, giảng dạy, và bác ái. Khi được những vị có thẩm quyền chỉ định, các phó tế được cử hành trọng thể phép Rửa Tội, giữ trao Mình Thánh Chúa, nhân danh Giáo Hội chứng kiến và chúc lành hôn phối, mang của ăn đàng cho kẻ hấp hối, đọc Thánh Kinh cho tín hữu, giáo huấn và khuyên nhủ dân chúng, chủ tọa việc phụng tự và kinh nguyện của tín hữu, cử hành các á bí tích, chủ tọa lễ nghi tang chế và an táng. Được thánh hiến để lo việc bác ái và việc quản trị” (GH 29).
Trong Thánh Lễ, các phó tế “công bố Tin Mừng và đôi khi diễn giảng Lời Chúa, hướng dẫn lời nguyện cho mọi người, giúp linh mục cho giáo dân rước lễ, và thỉnh thoảng hướng dẫn cử chỉ và điệu bộ của toàn thể cộng đoàn” (61). Ngoài ra, họ giúp mang sách Tin Mừng đầu lễ, giúp linh mục và đi bên cạnh ngài khi tiến ra bàn thờ; giúp bỏ hương và xông hương; giúp tiếp nhận lễ phẩm, sửa soạn bình chén thánh trên bàn thờ, mở chén, mở sách. Phó Tế xướng lời: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”; giúp cho rước lễ và tráng chén cũng như nói hoặc hát lời giải tán dân chúng: “Lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an” (27tt).
Chức phó tế được phân ra hai dạng: vĩnh viễn và tạm thời. Phó tế vĩnh viễn bao gồm những người đàn ông độc thân với tuổi ít nhất là 25; hay đã lập gia đình thì phải đủ 35 tuổi và với sự đồng ý của vợ. Họ theo học một chương trình đào tạo ít nhất 3 năm do Hội Đồng Giám Mục ấn định. Từ thế kỷ thứ 9, Giáo Hội Tây Phương không còn có các phó tế vĩnh viễn. Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI đã thiết lập lại chức này ngày 18.06.1967. Phó tế tạm thời là một chức cần lãnh trước khi tiến tới chức linh mục; kéo dài trong một thời hạn ít nhất là 6 tháng (GL 236.1031). Trong các nghi thức phụng vụ, họ mặc áo phó tế hoặc áo trắng dài và đeo dây các phép xéo ngang ngực