Có qua có lại mới toại lòng nhau: đón nhận và cho đi là cơ cấu nền tảng của đời sống con người. Trao đi và tặng lại là những liên lạc có mục đích chăm sóc gìn giữ và bảo vệ sự liên tục cuộc sống. Mối quan hệ giữa con người và thần thánh cũng “sống” bằng những đổi trao qua lại: con người lập bàn thờ, tìm đến đền đài, chùa chiền hay nhà thờ để dâng cúng lễ vật; và Thiên Chúa hay thần thánh “đáp lễ” bằng những phúc lộc.
Con người tế lễ để biểu lộ sự tôn sùng kính bái, ước mong bảo tồn trật tự hiện tại cũng như để bảo đảm mạng sống của mình. Dâng đi những gì mình cần để sống còn biểu hiện sự sẵn sàng tận hiến hoàn toàn cho Đấng tạo ban sự sống. Đó cũng là cách bày tỏ sự lệ thuộc, phục tùng, tri ân, trung thành và cầu xin tha thứ giúp đỡ. Để lại một phần những gì săn bắn hay hoa trái thu hoạch được là một hình thức dâng cúng - như là một dấu chỉ công nhận quyền tối cao của Tạo Hóa. Hình thức khác là giết một con vật. Trong hầu hết các thần thoại, tình trạng nguyên thủy được dẫn đến từ những xé nát có đổ máu. Từ đó, mỗi khi trật tự thế giới bị xáo trộn, thì con người lại dâng tế, với ước mong tái tạo được tình trạng nguyên lành của lúc ban đầu. Khi dâng cúng, con người đặt của lễ lên bàn thờ và Thiên Chúa đón nhận. Một quan hệ được tạo thành: Thiên Chúa và người như “ngồi cùng bàn”. Việc cúng tế vì thế thường luôn đi đôi với một bữa ăn bữa tiệc.
Người Do-thái tế lễ để thiết lập hoặc để khôi phục mối quan hệ đã bị sứt mẻ, gây nên bởi sự bất trung với Giao ước của Thiên Chúa. Đồng thời hành vi phụng vụ này cũng nói lên niềm tin vào lòng nhân ái của Thiên Chúa, Đấng luôn đoái thương nhậm lời. Do đó, tế lễ đóng một vai trò then chốt trong đời sống dân Ít-ra-en. Qua việc cúng tế, họ cảm nhận được một cách cụ thể mối tương quan với Gia-vê: trong hiến tế cho Đức Chúa họ bước vào một cuộc trao đổi sự sống đều đặn với Người. Các dịp tế lễ là những điểm gặp gỡ Thiên Chúa.
Niềm tin Kitô Giáo chỉ biết có một hy lễ có đổ máu duy nhất: cái chết trên thập giá của Đức Giê-su. Vâng phục hoàn toàn thánh ý Thiên Chúa, Đức Giê-su đã tự hiến mình chịu chết một lần duy nhất, và đã trở nên lễ vật vẹn toàn xóa bỏ tội muôn người, đem lại ơn cứu độ cho mọi thế hệ. Tuy rằng sách Tân Ước dùng đến các hình ảnh của quan niệm tế lễ Cựu Ước để diễn giải, nhưng hy lễ của Đức Giê-su vượt trội trên hết mọi tế lễ khác xưa nay: bởi vì chính Thiên Chúa hành động trong sự hiến tế của Đức Giê-su, để giao hòa và nối lại “mối tình trời với đất.” Cũng vì vậy, hy lễ của Đức Giê-su hoàn thành và kết thúc mọi tế lễ được dâng tiến xưa nay. Qua đó, Người thành lập nên một Giao Ước Mới vĩnh cữu giữa Thiên Chúa và con người trên một nền tảng mới: không trên căn bản luật lệ như xưa mà nội tại trong tâm hồn (Dt 7-9).
Sự tự hiến của Đức Giê-su được gọi là “giá chuộc” (Mc 10,45); là phục vụ (Lc 22,27); là hạ mình và được siêu tôn (Pl 2,5-11); là quy phục Thiên Chúa (1 Cr 15, 28); thánh hiến nhân loại (Ga 17,19); và là "chiên lễ Vượt Qua" (1 Cr 5,7). Hy lễ của Đức Giê-su được trao lại cho Hội Thánh trong hình thức một bữa tiệc: khi Người trong bữa ăn cuối với các môn đệ, cầm lấy bánh cũng như chén rượu và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em... Đây là chén Máu Thầy, máu đổ ra để lập Giao Ước Mới... anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11,23-26).
Khi cử hành Thánh Lễ, Hội Thánh không dâng tiến một tế lễ mới hay lập lại hiến tế thập giá của Đức Giê-su. Cử hành Thánh Lễ là thực thi lời dạy “làm để nhớ” rằng: Đức Giê-su đã vâng phục ý Chúa Cha để trở nên người phàm, chịu đau khổ, chịu chết và sống lại để đem lại ơn tha thứ cho mọi người trong mọi thời đại. Khi cử hành như vậy, biến cố lịch sử xảy ra một lần duy nhất trở nên một biến cố sống động trong hiện tại. Đây là một mầu nhiệm. Thần học dùng chữ “hiện tại hóa” để mô tả thực tế mầu nhiệm này.
Bánh và rượu không là của lễ của chúng ta dâng cúng cho Thiên Chúa. Những lễ vật này bày tỏ sự sẵn sàng sống huynh đệ trong cộng đoàn của chúng ta, trong đó Đức Ki-tô là linh mục duy nhất làm sống động hiến tế của Người dâng cho Chúa Cha, cũng như để nối kết chúng ta vào sự tự hiến đó. Trên nền tảng mới này, các nghi thức tế lễ tỏ lòng tôn phục của con người đối với Thiên Chúa đón nhận một chiều kích sâu xa mới mẻ: đó là sự vâng phục ý Thiên Chúa như Đức Giê-su. Do đó, chúc tụng ngợi khen cũng như việc thực thi ý muốn của Thiên Chúa và tình yêu tha nhân được gọi là tế lễ (Dt 13,16; Pl 4,18). Tham dự Thánh Lễ là chung phần trong Giao Ước Mới đem lại sự sống vĩnh cửu.