Bài Giáo Lý 4 của ĐTC Phanxicô về Hội Thánh: Duy Nhất và Thánh Thiện
“Trong một cộng đồng Kitô hữu, chia rẽ là một trong những tội nặng nhất, bởi vì nó là dấu chỉ rằng đó không phải là công việc của Thiên Chúa, mà là công việc của ma quỷ.”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành hôm thứ tư, ngày 27 tháng 8 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý mới về Hội Thánh. Ngài giải thích về ý nghĩa của tính Duy Nhất và Thánh Thiện của Hội Thánh và làm sao chúng ta có thể phản ánh đặc tính này qua cách sống của mình.
* * *
Anh chị em thân mến, chào anh chị em.
Mỗi khi chúng ta lập lại lời Tuyên Xưng Đức Tin của mình --- qua việc đọc kinh “Tin Kính,” chúng ta khẳng định rằng Hội Thánh “duy nhất” và “thánh thiện.” Hội Thánh duy nhất, bởi vì bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm của sự hiệp nhất và hiệp thông trọn vẹn. Và Hội Thánh thánh thiện, bởi vì được xây dựng trên Đức Giêsu Kitô, được sinh động hóa bởi Thần Khí Thánh của Người, được đổ đầy với tình yêu và ơn cứu rỗi của Người. Tuy nhiên, Hội Thánh cùng một lúc vừa thánh thiện vừa được hợp thành bởi những người tội lỗi, là tất cả chúng ta, những người tội lỗi, là những người mỗi ngày cảm nghiệm được sự mong manh và những nỗi khốn khổ của mình. Vì vậy, đức tin mà chúng ta tuyên xưng thúc đẩy chúng ta hoán cải, để can đảm sống hằng ngày sự hiệp nhất và thánh thiện, và nếu chúng ta không hiệp nhất, nếu chúng ta không thánh thiện, vì chúng ta không trung thành với Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Người, Chúa Giêsu, không bỏ chúng ta một mình, không bỏ rơi Hội Thánh của Người! Người bước đi cùng chúng ta, Người hiểu chúng ta. Người hiểu những yếu đuối của chúng ta, những tội lỗi của chúng ta, Người tha thứ cho chúng ta khi chúng ta để cho Người tha thứ. Người luôn luôn ở cùng chúng ta, giúp chúng ta trở nên ít tội lỗi hơn, thánh thiện hơn và hợp nhất hơn.
1. Niềm an ủi thứ nhât xuất phát từ thực tại là Chúa Giêsu đã cầu nguyện rất nhiều cho sự hiệp nhất của các môn đệ. Đây là lời cầu nguyện của Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu cầu xin: “Lạy Cha, xin cho họ được nên một.” Người cầu nguyện cho sự hiệp nhất, và Người đã làm điều ấy ngay khi cuộc khổ nạn đã gần kề, khi Người đang chuẩn bị hiến mạng sống Người cho chúng ta. Đó là điều chúng ta được liên tục mời gọi đọc lại và suy niệm, ở một trong những trang hồi hộp và cảm động nhất của Tin Mừng Thánh Gioan, chương mười bảy (x. cc. 11:21-23). Tốt đẹp biết bao khi biết rằng Chúa, ngay trước khi chết, đã không quan tâm gì đến mình, nhưng đã nghĩ đến chúng ta! Và trong cuộc đàm đạo chân thành này với Chúa Cha, Người cầu nguyện cách chính xác rằng xin cho chúng ta có thể nên một với Người và với nhau. Kìa: với những lời này, Chúa Giêsu đã biến mình thành Đấng Trung Gian giữa chúng ta và Chúa Cha, vì vậy chúng ta cũng có thể thông phần vào sự hiệp thông trọn vẹn của tình yêu với Người; đồng thời, Người trao phó cho chúng ta di chúc thiêng liêng của Người, ngõ hầu sự hiệp nhất có thể càng ngày càng trở nên dấu chỉ đặc biệt của cộng đồng Kitô hữu chúng ta và câu trả lời đẹp nhất cho bất cứ ai hỏi chúng ta về lý do của niềm hy vọng nơi chúng ta (xem 1 Phr 3:15).
2. “Xin cho họ tất cả được nên một; lạy Cha, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong Chúng Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17:21). Hội Thánh ngay từ thủa ban đầu đã tìm cách để đạt được mục đích này là điều mà Chúa Giêsu hằng ấp ủ trong lòng. Sách Tông Đồ Công Vụ nhắc nhở chúng ta rằng các Kitô hữu tiên khởi đã khác biệt với những người khác do sự thể là họ sống với nhau “một lòng một dạ [linh hồn]” (Cv 4: 32); do đó, Thánh Tông đồ Phaolô đã khuyên nhủ các cộng đoàn của ngài không được quên rằng họ là “một thân thể duy nhất” (1 Cor 12:13). Tuy nhiên, kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng có rất nhiều tội lỗi chống lại sự hiệp nhất. Chúng ta đừng chỉ nghĩ đến những cuộc ly giáo, nhưng hãy nghĩ đến những thiếu sót rất phổ thông trong cộng đoàn của mình, các tội “thuộc về giáo xứ,” những tội xảy ra trong giáo xứ. Thực ra, đôi khi các giáo xứ của chúng ta, được Chúa mời gọi trở thành nơi chia sẻ và hiệp thông, thì đáng buồn là bị đánh dấu bằng tật ghen tương, đố kỵ, ác cảm.... Và những tin đồn nhảm nhí mà mọi người chuyền tai nhau. Có biết bao nhiêu những chuyện nói hành nói xấu trong các giáo xứ của chúng ta! Điều này không tốt. Chẳng hạn như khi một người được bầu làm chủ tịch một hội đoàn, chúng ta bàn tán về người ấy. Và nếu có người khác được bầu làm trưởng ban giáo lý, những người khác nói xấu người ấy. Nhưng đó không phải là Hội Thánh. Điều ấy là điều không được làm, chúng ta không được làm điều ấy! Chúng ta phải cầu xin Chúa ban ơn để chúng ta không làm như thế. Điều này xảy ra khi chúng ta muốn đứng đầu; khi chúng ta tự đặt mình ở trung tâm, với những tham vọng cá nhân của mình, cùng cách chúng ta nhìn mọi sự, và phán đoán người khác; khi chúng ta nhìn vào những sai lầm của người khác, chứ không nhìn vào những tài năng của họ; khi chúng ta chú ý đến những gì phân rẽ chúng ta thay vì những gì liên kết chúng ta...
Có lần, trong một giáo phận khác mà tôi đã coi sóc, tôi nghe thấy một nhận xét thú vị và tốt đẹp. Người ta nói về một bà cụ đã làm việc suốt đời trong giáo xứ, và một người biết bà ấy đã nói: “Bà ấy đã không bao giờ nói xấu ai, không bao giờ ngồi lê mách lẻo, và luôn luôn tươi cười.” Một người phụ nữ như vậy có thể được phong thánh ngày mai! Đây là một gương sáng. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào lịch sử Hội Thánh, thì có biết bao chia rẽ giữa các Kitô hữu của chúng ta. Ngay cả bây giờ, chúng ta đang bị chia rẽ. Thậm chí trong lịch sử, các Kitô hữu chúng ta đã gây chiến với nhau vì những bất đồng về thần học. Chúng ta hãy nghĩ đến cuộc chiến 30 năm. Tuy nhiên, đó không phải là Kitô giáo. Chúng ta phải làm việc cho sự hiệp nhất của tất cả các Kitô hữu, chúng ta phải đi trên con đường hiệp nhất là con đường Chúa Giêsu mong muốn và đã cầu nguyện cho.
3. Trước tất cả những điều này, chúng ta phải xét mình thật kỹ. Trong một cộng đồng Kitô hữu, chia rẽ là một trong những tội nặng nhất, bởi vì nó là dấu chỉ rằng đó không phải là công việc của Thiên Chúa, mà là công việc của ma quỷ, kẻ, theo định nghĩa, là kẻ gây chia rẽ, kẻ làm đổ vỡ những mối quan hệ, kẻ đề ra những thành kiến.... Chia rẽ trong một cộng đoàn Kitô hữu, dù là trong một trường học, một giáo xứ, hoặc một hội đoàn, là một tội rất nặng, bởi vì đó là công việc của ma quỉ. Nhưng Thiên Chúa muốn chúng ta phát triển trong khả năng chào đón, tha thứ và yêu thương nhau, để càng ngày càng nên giống Ngài, Đấng là sự hiệp thông và tình yêu. Đây là sự thánh thiện của Hội Thánh: trong việc nhận ra mình là hình ảnh của Thiên Chúa, được tràn đầy lòng thương xót và ân sủng của Ngài.
Các bạn thân mến, hãy để cho những lời này của Chúa Giêsu vang lên trong tâm hồn chúng ta: “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9). Chúng ta hãy chân thành xin Chúa thứ tha cho chúng ta vì tất cả những lần chúng ta đã làm cớ cho sự chia rẽ và hiểu lầm trong nội bộ các cộng đoàn của chúng ta, trong khi biết rõ rằng chúng ta không thể đi đến hiệp thông mà không đi qua một cuộc hoán cải liên tục. Hoán cải là gì? Là xin Chúa ban ơn để không chê bai, không chỉ trích, không nói hành nói xấu, nhưng yêu thương tất cả mọi người. Đó là một ân sủng mà Chúa ban cho chúng ta. Đó là ơn giúp chúng ta hoán cải tâm hồn. Và hãy cầu xin cho những mối liên hệ hàng ngày của chúng ta có thể luôn luôn trở thành sự phản ánh đẹp hơn và vui mừng hơn của mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ