Từ thế kỷ thứ 11-16, các nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc Gô-tic. Gô-tic diễn tả
lại sự tìm kiếm một dung hòa toàn diện trong trật tự của vũ trụ mà Thiên Chúa tạo
dựng nên; trong đó, vị trí của mỗi người đều được ấn định rõ ràng. Một đặc điểm
khác cho các nhà thờ thời này là ánh sáng - một nguyên tố được coi như là môi
trường huyền bí thích hợp nhất cho Thiên Chúa. Nhờ những sườn cong và những cột
chính to lớn đón chịu hết trọng lực của mái nhà, người ta có thể dùng cửa sổ màu để
trám các khoảng cách giữa các cột trụ. Cuối cùng, kiến trúc này là một biểu tượng
cho sự cực độ và siêu việt. Tháp, và nhất là các cột trong nhà thờ lôi kéo người nhìn
ngước cao để chiêm ngắm.
Trong khoảng cùng một thời gian tại Ý, người ta ưa chuộng lối xây nhà thờ được gọi
là Phục Hưng (Renaissance). Những kiến trúc “ôn lại” lối xây của thời Rô-ma này
cũng biểu hiện cho một quan niệm vũ trụ có trật tự đàng hoàng và lô-gic. Các công
trình xây cất nhà thờ trong thế kỷ thứ 16 phần lớn có mục đích biểu dương sự huy
hoàng của Rô-ma: rất đồ sộ, gây ấn tượng vào nhãn quan và lắm lúc cầu kỳ rườm rà.