Đúng ra, Thánh Lễ được bắt đầu với Bí Tích Rửa Tội để nhập đạo. Lúc đó, người rửa tội đổ nước lên đầu thỉnh nhân và nói: “Tôi rửa T., nhân danh Chúa Cha và Chúa con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Nền tảng và việc bắt đầu cuộc sống niềm tin Ki-tô Giáo được nhắc lại, khi mỗi khi người tín hữu giơ tay nhúng vào bình nước thánh nơi cửa nhà thờ, rồi làm Dấu Thánh Giá nhân danh Chúa Ba Ngôi. Tập tục đạo đức này cũng như việc rảy Nước Thánh trên cộng đoàn trong nghi thức Sám Hối đầu lễ (Esperge) đã có từ thế kỷ thứ 8. Những cử chỉ này cũng đã được hiểu như là một hình thức thanh tẩy nội tâm, hay như một lời cầu xin Thiên Chúa thánh hóa cộng đoàn.
Bí tích Rửa Tội là cửa dẫn lối đến Bàn Tiệc Thánh và đến Bí Tích Thánh Thể. Tham dự Thánh Lễ là sống bí tích rửa tội, nên chỉ có ai đã được rửa tội thì mới tham dự Thánh Lễ cách trọn vẹn. Nước rửa tội dùng để làm dấu nơi cửa nhà thờ đã được làm phép trọng thể trong Đêm Phục Sinh - một tục lệ hình như đã có từ hậu bán thế kỷ ba. Nước Thánh cũng được dùng trong các nghi thức làm phép khác (nhà cửa, ảnh tượng...)
Chúng ta cũng nên nhớ rằng, khi Giáo Hội làm phép nước thì nước đó được gọi là Nước Thánh. Giáo hội làm phép Nước Thánh trước tiên là để dùng cho bí tích Thanh Tẩy – tức là bí tích rửa tội. Sau đó Nước Thánh đó được dùng cho các Á-bí-tích, tức là làm phép nhà, phép tượng ảnh, chấm và làm dấu thánh giá tại cửa nhà thờ…
Nước Thánh được Giáo Hội làm phép chỉ dùng để rảy chứ không dùng để uống. Nếu anh chị em xin linh mục ban phép lành cho nước uống, thì đó chỉ là nước được chúc lành chứ không là Nước Thánh. Nếu anh chị em đi hành hương tại Lộ Đức, Banneux mang nước tại đó về thì đó là nước được Đức Mẹ chúc lành chứ không phải là Nước Thánh.