Là một trong những lời quý hóa nhất mà truyền thống cầu nguyện của Giáo hội lưu truyền lại từ buổi ban đầu. Cũng như A-men, Ha-lê-lui-a được dùng nguyên âm tiếng Híp-ri và có nghĩa là “Hãy ngợi khen Đức Chúa!” Lời chúc tụng Thiên Chúa và hoan hỷ mừng Giê-ru-sa-lem mới này (Tb 13,18) đến từ phụng vụ Do-thái, được dùng để chào mừng Con Chiên (Kh 19,1-7).

Trong Thánh Lễ, đây là lời tung hô Chúa Ki-tô trước khi công bố Tin Mừng, để chúc tụng ngợi khen Đấng hiện diện trong Lời của Người. Cũng trong ý niệm này, lời “Tung hô Tin Mừng” được đọc hoặc hát giữa hai lần Ha-lê-lui-a, được trích từ Bài Tin Mừng của ngày lễ. Cộng đoàn đứng lên khi bắt đầu hát Ha-lê-lui-a. Trong phụng vụ Tây Ban Nha cổ, người ta còn hát Ha-lê-lui-a sau khi nghe đọc Tin Mừng. Vào thời thượng cổ, Ha-lê-lui-a được các Ki-tô hữu hát ngoài phụng vụ, ngay cả trong lúc làm việc. Rất được ưa chuộng là việc ngâm nga không lời vào âm cuối (a).

Vị trí đặc biệt của Ha-lê-lui-a là trong mùa Phục Sinh. Đây không phải là một lời mà là một tiếng gọi, một âm vang mừng, nên cần phải được hát thì hợp lý hơn là đọc. Do vậy, trong Mùa Chay - mùa tưởng niệm mầu nhiệm khổ nạn của Đức Ki-tô - chúng ta không hát Ha-lê-lui-a. Lời tung hô Tin Mừng trong Mùa Chay cũng không có Ha-lê-lui-a bao quanh – cho đến khi Ha-lê-lui-a lại thoát vang từ bóng tối của đau khổ và từ cõi chết nhờ sự sống lại của Đức Giê-su. Sau Lễ Phục Sinh, Ha-lê-lui-a cùng đồng hành với cộng đoàn, mỗi khi có cử hành phụng vụ Lời Chúa. Trong Tân Ước, Ha-lê-lui-a chỉ được dùng trong sách Khải Huyền (19, 1.3.4.6). Có nhiều thánh vịnh được bắt đầu bằng lời tung hô Ha-lê-lui-a (105-107. 111-114.146-150).