Để đèn hay nến cháy sáng nơi những thánh địa, đền đài là một tập tục rất cổ xưa. Đó là dấu hiệu tôn kính và cũng là biểu hiện cho những ơn phúc đến từ những nơi đó. Vào thời cổ điển, đèn là một biểu tượng cho sự sống nên được treo nơi các cột mồ. Ngay từ thuở đầu cũng đã có những đèn cháy như vậy trong các nhà thờ, đặc biệt trước bàn thờ và nơi mồ mả các vị tử đạo, để nói lên niềm tin vào ánh sáng và sự sống bất diệt. Trong Lều Hội Ngộ của người Do-thái cũng luôn có một ngọn đèn đốt bằng dầu ô-liu và cháy từ sáng đến chiều trước nhan Đức Chúa, được gọi là “lửa vĩnh viễn” (Lv 24,1-4).

Trong khi Giáo Hội Đông phương thường quen đặt đèn nến trước mỗi tượng ảnh thánh (Ikone), bên Tây Phương chỉ đặt chúng nơi các thánh địa hành hương và trước các ảnh tượng được tôn kính. Người cầu nguyện vẫn thường hay đốt một ngọn nến, để tỏ bày một ước nguyện hay khấn xin một ơn ích. Sách nghi lễ của các Giám Mục (1600) ấn định rằng trong nhà thờ phải luôn có vài ba cái đèn cháy, trước bàn thờ bí tích ít nhất là năm cái. Điều này ám chỉ đến ứng dụng đặc biệt của đèn trong Giáo Hội La-tinh. Ở đó, với sự gia tăng lòng sùng kính Bí Tích Thánh Thể đã xuất phát ra tập tục để Đèn Chầu luôn cháy sáng trước nơi lưu trữ Mình Thánh. Những ấn định mang tính địa phương về việc xử dụng Đèn Chầu có từ thế kỷ 13; bắt buộc cho toàn Giáo Hội La-tinh kể từ thế kỷ 17. Trong các nhà thờ, “trước nhà tạm lưu trữ Thánh Thể, phải luôn thắp một chiếc đèn đặc biệt, để ghi dấu và tôn kính sự hiện diện của Chúa Ki-tô” (940). Theo thói quen, đèn chầu được dùng mang màu đỏ để tạo bầu khí ấm cúng.