Theo tinh thần mới của CĐ Vaticanô II (Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân 26), hiện nay trong giáo xứ, Giáo Hội muốn có hai tổ chức giáo dân giúp đỡ cha xứ trong việc mục vụ và quản trị kinh tế giáo xứ: Hội Đồng Mục Vụ và Hội Đồng Kinh Tế (GL. 536-537). Trong thực tế trên thế giới, Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ vẫn chỉ là mong ước của các vị mục tử.
- CẤU TRÚC HĐGX VIỆT NAM 1670-1880.
Khi các thừa sai Dòng Tên thành lập các cộng đoàn bền vững đầu tiên, dân tộc VIỆT NAM đã có một tổ chức xã hội chặt chẽ theo hệ thống đại gia đình và làng xã. Mỗi họ, gia tộc đều có hội đồng gia tộc, gồm các ông trùm – trưởng tộc, lo việc quản trị của hương hỏa, nhà thờ họ, bàn thờ, tủ thờ, sổ gia phả – thế phả và các đồ dùng tế tự. Hội đồng gia tộc được luật pháp (Bộ luật Hồng Đức; Gia Long) công nhận quyền quản trị tài sản và cả quyền xét xử.
Do tinh thần gia tộc và làng xã rất cao, những người VIỆT NAM thế kỷ XVII thường theo đạo Công Giáo từng nhóm lớn, toàn bộ một họ hay một làng. Họ lập tức hình thành "họ đạo" và bầu ra "các trùm họ" để coi sóc "họ đạo" và "nhà thờ họ", lo giữ "sổ họ" và làm "sổ gia đình". Công đồng Dinh Hiến 1670 chia địa phận Đàng Ngoài làm 9 "xứ" để giao cho 9 thầy giảng vừa tiến chức linh mục (duới quyền 3 linh mục thừa sai). Mỗi xứ có một thầy giảng làm trưởng ban tài chính, nhưng do "cha xứ" chịu trách nhiệm với địa phận; trong các họ đạo vẫn do các trùm họ tự điều hành.
Tổ chức "trùm họ", theo mẫu hội đồng gia tộc và hội đồng hương xã lúc đó, có các ưu điểm không chối cãi được qua lịch sử:
- Có khả năng tồn tại và bảo vệ cộng đoàn qua các thời kỳ khó khăn, vắng bóng linh mục lâu năm;
- Có uy tín lớn trong cộng đoàn và thực sự đóng góp rất lớn trong việc xây dựng tinh thần cộng đoàn, nắm vững tình hình dân Kitô giáo;
- Tổ chức linh hoạt việc thờ phượng;
- Đóng góp công của rất nhiều cho cộng đoàn, rất ít khi thâm lạm của chung ….
Tuy nhiên Tổ chức trùm họ cũng có những nguy cơ thường xuyên đi ngược tinh thần của Giáo Hội:
- Coi linh mục chỉ là một pháp sư được mời tới lo tế tự khi cần;
- Coi mình là đại diện chính thức của họ đạo;
- Coi trọng các hình thức hội hè đình đám mị dân hơn là những công việc căn bản của dân thánh: Phụng vụ chính thức, học hỏi và truyền bá Phúc Âm, bác ái cộng đoàn;
- Chỉ lo cho họ mình, tách rời và đóng kín khỏi môi trường những người ngoại….
Tổ chức trùm họ có công lớn với lịch sử GH Việt Nam và còn bền vững đến hôm nay như một đặc điểm truyền thống và ưu thế của GH Việt Nam.
- Giáo Hội miền Bắc sau năm 1954
Sau năm 1954, do thiếu các linh mục và thầy giảng, HĐGX dần dần tự lo việc tổ chức và quản trị giáo xứ.
III. Giáo Hội miền Nam sau năm 1954
Sau Công Đồng Vatican II, các Giám Mục Miền Nam Việt Nam lo nghĩ đến việc cải tổ Hội Đồng Quý Chức, vì những nguyên nhân rõ rệt:
- Tài sản đất đai của giáo hội bị mất quá nhiều, không còn cần đến nhóm "biện việc" quản trị;
- Ảnh hưởng của HĐGX các xứ di cư do dân bầu có uy tín và tích cực hơn;
- Ảnh hưởng của các nhóm tông đồ giáo dân thịnh hành….
Không có điều kiện để ban hành một Directorium cho mọi giáo phận, các Đức Giám Mục tạm giải quyết bằng quy chế riêng biệt của từng giáo phận. Đặc điểm của các quy chế mới là:
- Nhấn mạnh việc do dân bầu hơn;
- Chú trọng đến khả năng cộng tác vào hoạt động mục vụ.
Như thế, tổ chức HĐGX vừa là điều bắt buộc theo Giáo Luật (Điều 536-537), vừa là một truyền thống của Giáo Hội Việt Nam.
Cũng như nhiều yếu tố chúc tụng và tung hô khác (Gloria, Kyrie eleison), lời kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa”, Agnus Dei tiếng La-tinh, là gia sản của Giáo Hội Đông Phương. Nơi đó, cộng đoàn tham gia nhiều hơn trong Thánh Lễ vì không bị trở ngại về ngôn ngữ. Kinh này có nguồn gốc trong phụng vụ Hy-lạp-Xi-ri và được Đức Giáo Hoàng Sergius I (687-701) - một người nước Xi-ri - cho đưa vào phụng vụ La-tinh.
Lời kinh này cũng giống như một khúc nhạc đệm, được cộng đoàn đọc trong lúc linh mục bẻ bánh. Từ thế kỷ thứ 12, lời “Lạy Chiên Thiên Chúa” thường được lặp lại 3 lần; trước đó không có ấn định rõ. Lời kết khi đọc lần thứ ba được thay bằng một lời cầu xin bình an. Tập tục này đến từ thời Trung cổ, khi nghi thức chúc bình an được hình thành. Đức Kitô là của lễ giao hòa muôn đời của loài người. Lời kêu xin lòng thương xót và bình an mang tính cánh chung này được nảy sinh ra từ thực tế cứu độ đó.
Agnus Dei là kinh của tín hữu. Cộng đoàn có thể lập lại lời đầu nhiều lần cho đến khi bẻ bánh xong mới đọc hoặc hát lời xin bình an (56đ) - giống như trong phụng vụ Gia-cô-bê ở Xi-ri.
Việc gọi Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa có nguồn gốc trong Cựu Ước, được đúc kết từ hai ình ảnh chính: Chiên Vượt Qua (Passah) và người tôi trung của Gia-vê. Chiên là một hình ảnh quen thuộc trong Kinh Thánh. Do tính ngây dại và chịu đựng không kêu van khi bị dẫn đi, chiên trở nên một hình ảnh cho sự vô tội, kiên nhẫn và khiêm nhượng. Ở Đông Phương, chiên là con vật ưa được dùng nhất để làm của lễ (Xh 29,38). Khi Thiên Chúa quyết định giải thoát dân Người từ ách nô lệ Ai-cập, Người ra lệnh cho mỗi gia đình Do-thái sát tế một con chiên đực toàn vẹn, không quá một tuổi, ăn thịt nó và bôi máu lên khung cửa. Nhờ dấu máu đó, họ được để sống khi Chúa cho Thần Tru Diệt đi sát hại các con đầu lòng của người và của loài vật trong đất Ai-cập (Xh 12,1tt). Nhờ vào máu chiên Passah mà dân Do-thái được cứu thoát và trở nên một “vương quốc tư tế, một dân thánh”, hiệp nhất trong một Giao Ước và sống theo luật lệ Mô-sê (Xh 19,1tt).
Bị đưa đi tế hiến mà chẳng hề mở miệng kêu ca như một con chiên cũng là tư cách của người tôi trung Gia-vê. Người chết để đền tội cho dân; người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không tắt đi tim đèn leo lét (Is 42,1tt; 53,1tt). Đoạn Kinh Thánh diễn tả sự khiêm nhượng và quy phục của người tôi trung báo trước một cách rõ ràng nhất số mạng của Đức Giê-su, như Tông Đồ Phi-líp-phê giải thích cho viên thái giám người Ê-thi-óp (Cv 8,31tt).