Gloria theo tiếng La-tinh; còn được gọi là Vinh Tụng Ca, vì chứa đựng những lời tán tụng tung hô Thiên Chúa Ba Ngôi. Sau cải cách phụng vụ, kinh này được đọc hoặc hát trong các lễ trọng và lễ kính, cũng như trong các Thánh Lễ Chúa Nhật ngoài mùa Vọng và mùa Chay. Trước đó, từ khoảng thế kỷ thứ 12, Kinh Vinh Danh được hát trong các Thánh Lễ ngoài mùa Chay. Hội Thánh dùng thánh thi rất cổ kính này để tôn vinh Chúa Cha và cầu khẩn Chiên Con (31).
Gloria in exelsis Deo (Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng trời) là một trong vô số thánh thi được sáng tác và hát trong giai đoạn đầu của Giáo Hội. Lúc đó, các thánh vịnh và thánh thi chưa được công nhận là thánh ca chính thức của Ki-tô hữu. Nhờ có được uy tín lớn trong Giáo Hội sơ khai nên Kinh Gloria tránh thoát nghị quyết cấm những thánh thi do cá nhân sáng tác kể từ Công Đồng Laodicêa (341-380). Ở Rô-ma, Kinh Gloria được dùng ở nghi thức đầu lễ của các lễ Giáo Hoàng, được cử hành trong các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ các Thánh Tử Đạo, cũng như vào lễ Phục Sinh và Lễ Mở Tay của linh mục.
Nhìn từ khía cạnh thần học và lịch sử, Gloria (Kinh Vinh Danh) và Kyrie (Kinh Thương Xót) có một liên quan chặt chẽ. Khi kinh cầu Kyrie với thời gian được rút ngắn lại và mất đi dần tính cách tung hô nguyên thủy để trở thành một lời sám hối và xin thương xót, thì Gloria - với hình dạng của một thánh thi chúc tụng - xuất hiện như một sự đối lập. Gloria phản ảnh lại nhu cầu muốn tỏ lộ niềm vui trong Thánh Lễ, nhất là vào những ngày lễ trọng. Đây là một kinh của cộng đoàn.
Kinh Vinh Danh bắt đầu bằng sự chúc tụng Thiên Chúa Cha và Chúa Con với lời tung hô của các Thiên Thần (Lc 2,14), rồi đến những lời hân hoan chúc tụng Chúa Ki-tô và kết thúc “cùng với Chúa Thánh Thần... muôn đời vinh hiển với Chúa Cha.” Chúc tụng Thiên Chúa là một cách thức cầu nguyện cần thiết và quan trọng có nguồn gốc trong Kinh Thánh Cựu Ước, và đây cũng chính là điểm tạo sức mạnh tỏa lan từ thánh thi cổ kính này.
Kế tiếp, linh mục hoặc phó tế đọc hay hát: “Đây là mầu nhiệm đức tin.” Cộng đoàn tuyên xưng niềm tin vào mầu nhiệm Đức Ki-tô trong lời đáp riêng. Rồi vị chủ tế cầu nguyện tiếp tục và đọc hoặc hát Kinh Tưởng Niệm (Anamnese). Khi thi hành mệnh lệnh Đức Ki-tô trao truyền lại, Hội Thánh tưởng niệm chính Người: nhắc lại cuộc khổ nạn sinh ơn cứu độ, sự sống lại và lên trời vinh hiển của Người. Kinh Tạ Ơn IV còn nói đến việc Đức Ki-tô “xuống cõi âm ty” sau khi sống lại. Qua sự nhắc nhở và thực thi mệnh lệnh của Đức Ki-tô, mầu nhiệm Thánh Thể được làm sống động và tồn tại mãi mãi.
Gắn liền với lời Tưởng Niệm là Lời Dâng Tiến. Là Nhiệm Thể Đức Ki-tô, Hội Thánh có ý cho các tín hữu ngoài việc dâng của lễ tinh tuyền lên Thiên Chúa, “còn học cho biết dâng chính mình, và nhờ Đức Ki-tô làm môi giới, mỗi ngày một hiệp nhất hơn với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa là mọi sự trong mọi người” (55e). Con đường đưa đến đích đó là đón nhận Mình và Máu Đức Ki-tô. Do đó mà có lời xin cho việc đón nhận mang lại hoa trái dồi dào, trong một lời kinh được gọi là Kinh Khẩn Cầu.
Trong Lời Chuyển Cầu, cộng đoàn tham dự lễ cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh và cho mọi chi thể, còn sống cũng như đã qua đời, ngay cả cho những ai mà “chỉ một mình Chúa biết họ đã tin tưởng vào Chúa.” Các Kinh Tạ Ơn đều nhắc đến các Thánh Tử Đạo, các Thánh, Đức Maria và các Tông Đồ. Lời cầu này làm sáng tỏ ơn cứu độ hoàn vũ mà Đức Kitô mang lại, cũng như sự hiệp thông của Hội Thánh. Thánh Lễ được mừng với người sống và kẻ chết: Thánh Lễ nối liền đất với trời.
Yếu tố cuối cùng của Kinh Tạ Ơn là Vinh Tụng Ca (Doxologie). Linh mục cầm đĩa với Bánh Thánh và chén, nâng cả hai lên, rồi nói hoặc hát: “Chính nhờ Đức Ki-tô, cùng với Đức Ki-tô, và trong Đức Ki-tô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Cha là Thiên Chúa toàn năng đến muôn thuở muôn đời.” Qua và trong sự hiệp nhất với Đức Ki-tô, đời sống của chúng ta đạt đến ý nghĩa sâu xa nhất của nó. Lời chúc vinh Thiên Chúa này được cộng đoàn tán đồng và kết thúc bằng lời tung hô “A-men”.