Lạy Chiên Thiên Chúa, ...

Chiên Thiên Chúa là hình ảnh của Đức Giê-su trong Tân Ước: Người là Chiên Vượt Qua. Theo Gio-an, cái chết trên thập tự của Đức Ki-tô làm nền tảng cho truyền thống đó: Đức Ki-tô bị giết vào buổi trưa ngày lễ Vượt Qua, lúc mà trong Đền Thờ theo luật Mô-sê các chiên bị sát tế. Cũng như các chiên hiến tế được ăn khi ống chân không bị đập bể, các người lính đã không đánh giập ống chân Đức Giê-su, bởi vì “các việc này xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh” (Ga 19,31-36).

Gio-an Tiền Hô đã xác định: Đức Giê-su chính là “Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,29.36) và chính Người cũng đã hiểu như vậy. Vì trong bữa tiệc Vượt Qua Người nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy; hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,26tt).

Truyền thống Ki-tô Giáo vẫn luôn tuyên xưng Đức Ki-tô là Chiên Vượt Qua. Người tín hữu được “cứu chuộc nhờ bửu huyết của con chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô”, để trở thành một dân tộc, một “vương quốc Tư Tế mới”, mà dâng những tế lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa. Như dân Do-thái xưa được cứu thoát khỏi Ai-cập, người tín hữu đã được giải thoát khỏi “miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền”, trở nên “hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người” (1 Pr 1,19; 2,5-9).

Đó là một cuộc Xuất Hành thiêng liêng. Được cứu thoát bằng Máu Con Chiên, họ chiến thắng Sa-tan và có thể ca khen “bài ca của Mô-sê và bài ca của Con Chiên” (Kh 12,11;15,3tt) Thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu tại Cô-rin-tô: vì “Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua”, nên họ là “bánh không men”, nghĩa là sống với lòng tinh tuyền chân thật (1 Cr 5,7tt).

Trong Kinh Thánh Tân Ước, hình ảnh Chiên Con được sách Khải Huyền dùng đến nhiều nhất để diễn tả quang cảnh ngày Quang Lâm. Trong đó, những nét chính của hình ảnh Đức Ki-tô là Chiên Vượt Qua được giữ, nhưng nhấn mạnh sự đối lập to lớn giữa sự yếu ớt của con chiên bị hiến tế và quyền lực mà Chiên đón nhận khi được nâng cao trên trời.