Các nghi thức Phụng Vụ đều được kết thúc bằng một lời nguyện. Với lời nguyện nhập lễ, linh mục chủ lễ kết thúc phần mở đầu Thánh Lễ. Sau lời mời: “Chúng ta hãy cầu nguyện”, cộng đoàn thinh lặng trong giây lát để ý thức mình đang ở trước mặt Thánh Nhan Chúa; đồng thời, đây cũng là cơ hội gợi lại trong tâm hồn người dự lễ các ước nguyện của mình. Tiếp đến, linh mục đọc lời nguyện; trong đó, đặc tính của buổi lễ được tóm gọn lại (Tổng nguyện) và được “hướng về Chúa Cha, qua Đức Ki-tô, trong Chúa Thánh Thần” (30). Người tham dự tung hô “A-men” để tỏ bày sự chung lòng hợp ý của mình cùng với lời nguyện, cũng như để làm cho lời nguyện đó thành của mình (32).

Khi đọc lời nguyện, linh mục chủ lễ giang tay ra. Đây là tư thế cởi mở đón nhận và hy sinh. Lịch sử tôn giáo cho thấy: khắp nơi người ta đều quen và hiểu tư thế giang mở rộng bàn tay như là cử chỉ hòa bình, vì không còn cầm giữ vũ khí trên tay. Đồng thời, đây cũng là dấu hiệu biểu lộ sự tin tưởng và van xin. Trong Cựu Ước, cầu nguyện là giang tay lên Chúa: “Khi con hướng về nơi cực thánh, giơ đôi tay cầu cứu van nài, xin Ngài nghe tiếng con khấn nguyện” (Tv 28,2). Cử chỉ này được Ki-tô Giáo thu nhận vào trong các nghi thức phụng vụ của mình.           Cùng với các nghi thức đầu lễ khác như ca nhập lễ hay nghi thức sám hối, lời nguyện nhập lễ có tính cách mở đầu, dẫn nhập và chuẩn bị, “giúp cho các tín hữu đã tập họp được hiệp thông với nhau; chuẩn bị tâm hồn để nghe Lời Chúa cho nghiêm chỉnh và để cử hành thánh lễ cho xứng đáng” (24).