Cùng với hoa nến, hương là một thành phần dường như không thể thiếu trong các nghi thức và nghi lễ của hầu hết mọi văn hóa. Đốt nhang, xông xương mang nhiều ý nghĩa thực dụng và tượng trưng.

Vì có mùi thơm dễ chịu nên ở Đông Phương cổ điển, hương trầm là phương tiện để tẩy uế mùi hôi thối, sát trùng, làm mê và để đuổi xua ruồi muỗi. Thời đó, các nhà quý phái đi đâu thì thường có người xông hương đi trước. Cũng vậy, trong thời Rô-ma, hương khói là đặc ân danh dự dành cho vua chúa và các công chức cao cấp; và người ta để hương án trước các tượng ảnh của Hoàng Đế mà họ tôn thờ.

Người Ai-cập gọi hương trầm là một hình thức tỏ hiện của thế giới siêu nhiên: hương trầm là “mồ hôi của trời rơi xuống đất.” Hương khói bay cao trong nghi thức an táng được coi như là một dấu chỉ hướng về cõi phúc. Chất liệu này còn được dùng như là một phương tiện xua đuổi sự bất lành, ma tà. Người Do-thái luôn có một hương án trước lều của Gia-vê, khi họ còn là những người du mục cũng như khi họ đã có Đền Thờ, mà nguyên liệu cũng như cách trình bày được ấn định rõ rệt (Xh 30,1tt.).

Là sản phẩm quý nên hương trầm còn là một thành phần của lễ vật dâng hiến cho Thiên Chúa. Ba Vua đã dâng tiến Đấng Hài Nhi vàng, nhũ hương và mộc dược (Mt 2,11). Hương trầm là một “phần cực thánh” chỉ dành dâng cho Gia-vê. Công tác phục vụ dâng hương trong Đền Thờ là một đặc ân của dòng họ A-ha-ron (Ds 17,16tt.), được quyết định bằng việc bốc thăm (Lc 1,9). Làn khói thơm bay bổng được nhìn như là một biểu tượng cho lời kinh nguyện: “Ước chi lời con nguyện, như hương trầm bay tỏa trước nhan Chúa” (Tv 141,2; Kh 5,8). Dâng hương như vậy biểu lộ lòng cung kính và sự tôn thờ (Jes 60,6).

Lúc đầu, người Ki-tô hữu ngần ngại không dùng hương, vì nó được các dân ngoại dùng đến. Nhất là trong thời bị bách hại, khi dâng hương trước ảnh Hoàng Đế là một cách tuyên xưng niềm tin vào quốc giáo và từ bỏ niềm tin của mình. Đến thế kỷ thứ 4, Giáo Hội Đông Phương đã có thói quen dùng hương trong phụng vụ của mình; rồi từ đó, tập tục này được lan tràn qua Tây Phương. Vào giai đoạn đầu, hương trầm chỉ được sử dụng trong nghi thức an táng và trong các cuộc rước. Về sau, vào thời Hoàng Đế Konstantin, dựa theo các nghi thức ở triều đình, người ta xông hương khi Đức Giáo Hoàng tiến vào nhà thờ để tỏ hiện sự tôn trọng và cung kính. Dần dần, việc xông hương đã trở nên một thành phần của nghi thức đầu lễ.

Trong Thánh Lễ Chúa Nhật hay lễ trọng, linh mục có thể xông hương bàn thờ lúc đầu lễ trên sách Tin Mừng, trên các lễ phẩm đặt trên bàn thờ và trên chính bàn thờ. Còn phó tế hay người giúp lễ xông hương cho linh mục và cộng đoàn hiện diện (27tt.). Xông hương hình Thánh Giá trên của lễ là dấu chỉ sự liên hệ với hiến tế thập giá Đức Ki-tô; xông hình tròn đánh dấu sự tách biệt: rằng của lễ chỉ thuộc về Thiên Chúa. Xông hương sách Tin Mừng để tỏ bày sự tôn kính Đức Ki-tô, đồng thời tượng trưng cho hương thơm của giáo lý và của Lời Chúa đến với tín hữu.

Trong Thánh Lễ, linh mục (hay giám mục) bỏ hương vào bình và làm phép bằng một Dấu Thánh Giá. Như vậy, xông hương là một cử chỉ chúc lành, thể hiện sự kính tôn và vinh dự.

 

Có thể nói: từ trước Công Đồng Vaticanô II (1962-1965) việc rước Mình Thánh Chúa (rước lễ) chỉ được trao trên lưỡi mà thôi. Nghĩa là không ai được phép rước lễ bằng tay ở bất cứ nơi nào trong Giáo Hội Công Giáo.

Nhưng sau Công Đồng, nhiều cải cách quan trọng đã được thực hiện. Liên quan đến phụng vụ thánh, thì Nghi Thức Thánh Lễ mới (Novus Ordo) được Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành năm 1970, đã cho phép cử hành Thánh Lễ Misa và các bí tích khác bằng ngôn ngữ địa phương thay vì bằng tiếng Latinh theo nghi thức cũ áp dụng từ năm 1570.

Cũng nằm trong những đích cải cách này, thì đặc biệt, việc rước lễ đã được phép lãnh nhận trên tay thay vì buộc phải trên lưỡi như trước. Nhưng đây không phải là luật mới bó buộc mà chỉ là sự chọn lựa được phép mà thôi. Nghĩa là ai muốn rước lễ bằng lưỡi hay trên lòng bàn tay thì đều được phép.

Về việc này, Huấn Thị Redemptionis Sacramentum (*) đã nhắc lại như sau:

“Mặc dù mỗi tín hữu luôn luôn có quyền rước Lễ trên lưỡi theo sở thích của mình, nhưng nếu có ai muốn rước Lễ trên tay thì Mình Thánh Chúa phải được trao cho người đó ở những nơi mà Hội Đồng Giám Mục, với sự nhìn nhận (recognitio) của Toà Thánh, đã cho phép.

Tuy nhiên, phải hết sức thận trọng để bảo đảm rằng Mình Thánh Chúa được rước ngay vào lòng (tức bỏ vào miệng) trước mặt thừa tác viên trao Mình Thánh. Nghĩa là không ai được phép cầm Mình Thánh Chúa đi đâu trên tay. Nếu có nguy cơ tục hóa, phạm thánh (profanation) trong việc này, thì Mình Thánh Chúa sẽ không được phép trao vào tay tín hữu nữa.” (số 92)

Nói rõ thêm, nếu Hội Đồng Giám Mục địa phương thấy tiện và xin phép Toà Thánh, thì việc rước lễ có thể được lãnh nhận trên tay thay vì trên lưỡi như xưa. Như vậy, nơi nào Hội Đồng Giám Mục cho phép thì Toà Thánh ưng thuận và việc rước lễ cách này là hợp pháp không có gì sai trái bất kính để phải thắc mắc, đặt vấn để đúng hay sai.

Có chăng chỉ nên lưu ý xem có sự lạm dụng, phạm thánh (sacrilege) nào trong việc này mà thôi. Nghĩa là nếu có ai rước lễ bằng tay nhưng đã không bỏ ngay Mình Thánh Chúa vào miệng trước mặt linh mục hay phó tế hoặc thừa tác viên giáo dân cho rước lễ, mà cầm Mình Thánh về chỗ ngồi, dù là để thờ lậy, thì cũng không được phép. Và ai chứng kiến việc này thì phải báo ngay cho cha chủ tế biết để lấy lại Mình Thánh kia, hoặc buộc người nhận lãnh phải bỏ ngay vào miệng. Nếu ở nơi nào thường xẩy ra tình trạng này thì cha xứ có lý do chính đáng để ngưng cho rước lễ bằng tay hầu tránh nguy cơ phạm thánh.

Như thế, khi trao Mình Thánh Chúa vào tay người nhận, thừa tác viên cần chú ý xem người đó có bỏ Mình Thánh ngay vào miệng sau khi thưa “Amen”, hay cầm Mình Thánh về chỗ ngồi để làm gì. Việc này đã xẩy ra ở nhiều nơi, nên cần chú ý để ngăn chặn kịp thời.

Tóm lại: Qua Tông Thư nói trên, chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho phép rước Mình Thánh Chúa trên tay, hoặc trên lưỡi.

Thánh Bộ Phụng Tự đã minh xác những thay đổi nói trên và cho áp dụng chung trong toàn Giáo Hội cho đến nay. Vậy bao lâu chưa có quyết định thay đổi nào khác của Toà Thánh, thì mọi thành phần dân Chúa – giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân – có bổn phận vâng phục thi hành nghiêm chỉnh. Không ai được phép đưa ra những lý do chủ quan, cá nhân để phê phán hay đòi sửa đổi theo ý của mình. Giáo Hội phải theo kỷ luật chung của Hàng Giáo Phẩm dưới quyền lãnh đạo tối cao của Đức Thánh Cha là Đại Diện duy nhất và hợp pháp của Chúa Kitô trên trần gian. Không tôn nguyên tắc này thì không còn là Giáo Hội nữa.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

 

Giỗ 52 năm Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm

Lễ Giáng Sinh 2014 tại St. Anna

Lễ quan thày CĐ Frankfurt 2015