Qua bí tích Rửa Tội, người có niềm tin được tái sinh và trở nên con cái Thiên Chúa. Khi đón nhận ơn tha thứ, người đó được hiệp thân với Đức Ki-tô và trở nên một phần tử của cộng đoàn Dân Chúa. Mỗi tín hữu được trao ban danh dự của người: thuộc về “giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người”. Nói cách khác, họ trở nên “những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng” (1 Pr 2,5.9).
Trong Thánh Lễ, cộng đồng Dân Chúa không họp lại như một đám đông không hình thù vô trật tự, và cũng không hững hờ lạnh nhạt, đến để “xem lễ” một cách thụ động. Trái lại, giáo dân và giáo sĩ đều góp phần tham dự tích cực vào nghi thức được cử hành, theo chức thánh và phận vụ, với mục đích làm sao cho mọi người tham dự lãnh nhận dồi dào ơn ích như Chúa Ki-tô mong muốn khi thiết lập Thánh Lễ (2).
Bí tích Rửa tội và Thêm sức kết hiệp người Ki-tô hữu một lần duy nhất vào cộng đoàn Dân Chúa. Còn Thánh Lễ nối kết họ liên tục, lâu dài và thân mật với Chúa Ki-tô. Cùng với Người, các tín hữu tận hiến đời mình cho Thiên Chúa. Qua việc cùng mừng Thánh Lễ, người tín hữu và Hội Thánh trưởng thành dần. Và như vậy, Thánh Lễ là “nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Ki-tô Giáo” - một cuộc sống từ niềm tin vào Thiên Chúa. Hội Thánh cũng nhắc nhở các tín hữu trong các điều răn là phải tham dự Thánh Lễ “ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc.”
Thánh Lễ đưa người tín hữu vào một cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Là những nhân vị, con người được Thiên Chúa mời gọi tham dự một cách sống động vào hành động cứu độ của Đức Ki-tô cho chính họ. Vì vậy mà người tín hữu, trong suốt cuộc đời và cả trong Thánh Lễ, không chỉ là kẻ đón nhận; mà đồng thời cũng là người tham gia chủ động, đầy ý thức và lòng đạo đức. Thánh Lễ từ đó cũng được coi là “hành động của Đức Ki-tô và của cộng đoàn Dân Chúa.”
Trong Ki-tô Giáo, tiếng chuông trước hết để kêu mời các tín hữu, sau nữa là để tạo nên vẻ long trọng, trước khi bắt đầu các nghi thức phụng vụ. Ngoài ra, tiếng chuông còn được dùng để loan báo tin vui như sau khi bầu được Giáo Hoàng mới hay sau Hôn Lễ. Tiếng chuông cũng để báo tin buồn như trong nhiều xứ đạo tại quê hương ta vẫn quen làm: người ta giật chuông từng tiếng theo nguyên tắc nam thất nữ cửu, để báo và xin cầu nguyện cho người trong cộng đoàn vừa qua đời. Ở nhiều nơi, người ta kéo chuông để báo động khi có chiến tranh, tai nạn (cháy nhà, ngập lụt). Chuông cũng nhắc nhở các giờ kinh, giờ nghỉ trong các Tu Viện, tạo nên vẻ long trọng huy hoàng và vui mừng của các ngày Chúa Nhật và Đại Lễ, cũng như loan báo giờ lễ và giờ kinh tại nhà thờ.
Trong Thánh Lễ, các người giúp lễ rung chuông để nhắc các tín hữu chú ý đến nghi thức “truyền phép”. Thói quen này được hình thành vào thời Trung cổ, cùng với việc linh mục nâng cao Mình và Máu Chúa. Vào những ngày kính nhớ cuộc khổ nạn của Đức Giê-su trong Tuần Thánh, các nhà thờ không giật chuông. Nhiều nơi, người ta dùng mõ hoặc kẻng để thay thế cho tiếng chuông trong Tuần Thánh. Trong Thánh Lễ Đêm Phục Sinh, tiếng chuông lại vang lên để loan báo Tin Mừng Chúa sống lại khải hoàn.
Vì vượt qua hết mọi núi đồi rừng cây, đồng bằng thung lũng và mọi tường vách ranh giới, nên tiếng chuông là biểu tượng cho tiếng Chúa Toàn Năng; là sứ điệp của một Thiên Chúa vô biên vô tận. Tiếng chuông nhắc nhở rằng: con người chỉ có thể tìm thấy sự mãn nguyện cho những nhớ nhung, thèm khát trong đời ở nơi nó xuất phát - từ trong Nhà Chúa. Ai đặt nền đời mình sâu chắc vào trong Chúa như tháp chuông vào nhà thờ, thì cũng sẽ đủ sức vươn cao lên trời và đứng thẳng vững chắc giữa đời. Tiếng chuông là tiếng kêu gọi sống theo Luật Chúa; và như thế còn được coi là một biểu tượng cho sự liên kết giữa Đất Trời. Là một thành phần đời sống tình cảm của người Ki-tô hữu, tiếng chuông trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều ca khúc, bài thơ.
Vì là một dụng cụ phụng tự mang nhiều ý nghĩa như thế, nên chuông dùng ở các nhà thờ và nhà nguyện được Giám Mục làm phép với một nghi thức riêng. Xuất hiện lần đầu vào thế kỷ 9 trong các tu viện, các chuông nhỏ đã được phổ biến rộng rãi và nhanh chóng tại Châu Âu, rồi trên toàn thế giới Ki-tô Giáo. Nhưng trước khi có chuông, người ta đã dùng những thanh gỗ, đất sét hay bằng kim loại như cồng, chiêng hay lục lạc trong mọi tôn giáo và văn hóa, để xua đuổi tà ma bệnh tật và che chở con người. Chứng tích sớm nhất mà người ta tìm thấy được từ thế kỷ 9 trước Chúa Giáng Sinh ở vùng Cận Đông, nơi tiếng chuông biểu hiện cho sự hòa hợp trong vũ trụ.
Trong các nghĩa địa và hang toại đạo ở Rô-ma, người ta cũng tìm thấy nhiều chuông nhỏ. Các chuông lớn với hình thù như ngày nay có từ đầu thế kỷ 14. Chuông đã được người Châu Âu ưa chuộng và quý mến - nên dưới thời Karolinger họ đã xây tháp cho chuông. Cũng từ thời đó, tháp chuông là một thành phần không thể thiếu của kiến trúc Giáo Đường ở mọi nơi trên thế giới.