Để đèn hay nến cháy sáng nơi những thánh địa, đền đài là một tập tục rất cổ xưa. Đó là dấu hiệu tôn kính và cũng là biểu hiện cho những ơn phúc đến từ những nơi đó. Vào thời cổ điển, đèn là một biểu tượng cho sự sống nên được treo nơi các cột mồ. Ngay từ thuở đầu cũng đã có những đèn cháy như vậy trong các nhà thờ, đặc biệt trước bàn thờ và nơi mồ mả các vị tử đạo, để nói lên niềm tin vào ánh sáng và sự sống bất diệt. Trong Lều Hội Ngộ của người Do-thái cũng luôn có một ngọn đèn đốt bằng dầu ô-liu và cháy từ sáng đến chiều trước nhan Đức Chúa, được gọi là “lửa vĩnh viễn” (Lv 24,1-4).
Trong khi Giáo Hội Đông phương thường quen đặt đèn nến trước mỗi tượng ảnh thánh (Ikone), bên Tây Phương chỉ đặt chúng nơi các thánh địa hành hương và trước các ảnh tượng được tôn kính. Người cầu nguyện vẫn thường hay đốt một ngọn nến, để tỏ bày một ước nguyện hay khấn xin một ơn ích. Sách nghi lễ của các Giám Mục (1600) ấn định rằng trong nhà thờ phải luôn có vài ba cái đèn cháy, trước bàn thờ bí tích ít nhất là năm cái. Điều này ám chỉ đến ứng dụng đặc biệt của đèn trong Giáo Hội La-tinh. Ở đó, với sự gia tăng lòng sùng kính Bí Tích Thánh Thể đã xuất phát ra tập tục để Đèn Chầu luôn cháy sáng trước nơi lưu trữ Mình Thánh. Những ấn định mang tính địa phương về việc xử dụng Đèn Chầu có từ thế kỷ 13; bắt buộc cho toàn Giáo Hội La-tinh kể từ thế kỷ 17. Trong các nhà thờ, “trước nhà tạm lưu trữ Thánh Thể, phải luôn thắp một chiếc đèn đặc biệt, để ghi dấu và tôn kính sự hiện diện của Chúa Ki-tô” (940). Theo thói quen, đèn chầu được dùng mang màu đỏ để tạo bầu khí ấm cúng.
Cộng đoàn hát hay đọc kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa” trong khi chủ lễ bẻ bánh. Sau khi đọc một lời nguyện chuẩn bị riêng, vị chủ lễ giơ cho các tín hữu thấy bánh Thánh Thể và cất giọng: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian: Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.” Phần đầu của kinh này là lời của Ngôn sứ Gio-an Tiền Hô ở bờ sông Gio-đan, khi thấy Đức Giê-su đi ngang qua nơi ông đang làm phép rửa (Ga 1,29); phần sau trích từ sách Khải Huyền (19,9).
Tiếp đến, linh mục cùng cộng đoàn khiêm nhường đọc lại lời của viên sĩ quan tại Ca-phác-na-um: “Lạy Chúa con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh” (Mt 8,8). Linh mục chủ tế đọc chung với tín hữu biểu lộ tính cộng đồng. Các lời Kinh Thánh này cũng muốn giúp những người rước lễ “bày tỏ lòng khiêm nhượng” (56g).
Sách lễ tiếng Việt chỉ có một hình thức cho phần hai, chú trọng đến chiều kích chung của thánh lễ và của phụng vụ đã kiện toàn trên trời: “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” (Kh 19,9).
Đây là mầu nhiệm đức tin
Sau nghi thức truyền phép, linh mục chủ lễ đọc hoặc hát: “Đây là mầu nhiệm đức tin.” Chữ “mầu nhiệm” ở đây không muốn nói đến điều gì bí ẩn hay đáng che đậy dấu kín, mà muốn nhắc lại công cuộc cứu độ con người của Thiên Chúa trong Con Một của Người. Đó là biến cố Giáng Sinh, Cuộc đời 33 năm, Cuộc Khổ Nạn, Phục Sinh và Thăng Thiên của Đức Giê-su Ki-tô.
Công cuộc cứu độ này được tỏ hiện rõ ràng trong cộng đoàn của những người tin vào Chúa Ki-tô - trong Hội Thánh. Chúng ta cảm nhận một cách gần gũi và cụ thể sự hiện diện của Thiên Chúa trong các Bí Tích. Tất nhiên những hành vi cứu độ đó là “mầu nhiệm”, bởi vì không thể thấu hiểu hết hoàn toàn được bằng trí óc của con người, mà chỉ có thể đón nhận trong niềm tin. Cuộc khổ nạn, sự chết và sống lại của Đức Ki-tô làm nên “Mầu Nhiệm Vượt Qua.” Đây “là nguồn mạch ban năng lực cho tất cả các Bí Tích và Á Bí Tích” (PV 61).
Sau lời xướng của linh mục, cộng đoàn Dân Chúa tung hô: “Lạy Chúa chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến.” Đây là một tóm tắt những điều mà cộng đoàn tuyên xưng trong Kinh Tín Kính. Cộng đoàn công bố niềm tin của mình vào các hành vi cứu độ của Đức Ki-tô và bộc lộ niềm tin vào ngày Quang Lâm của Người. Ngày đó, Thiên Chúa sẽ kiện toàn hết mọi sự. Mỗi khi cử hành và đón nhận “Mình và Máu” của Đức Ki-tô, cộng đoàn Dân Chúa được tham dự vào cuộc đời, sự chết và sống lại của Người. Thực tại này là bản chất sâu xa nhất của đời sống Giáo Hội: trở nên một thân thể mầu nhiệm sống động của Đức Ki-tô (Nhiệm Thể).
Khi xướng lên lời này, linh mục chủ lễ nhắc nhở việc chúc tụng và tôn kính mãi mãi công cuộc cứu độ của Thiên Chúa đã làm cho con người; Người là Đấng đang hiện diện giữa Dân Người trong Bí Tích Thánh Thể.