Lời Truyền Phép 2

Biến cố hiện tại hóa của Chúa Ki-tô trong Thánh Lễ không là một hành vi mê tín hay ma thuật, mà một ơn của Thánh Thần (55c). Đức Giê-su lúc còn sống cũng làm mọi việc trong Chúa Thánh Thần, nhất là đã tự hiến thân mình “nhờ Thánh Thần thúc đẩy” (Dt 9,14). Sự hiện diện của Chúa Ki-tô trong Thánh Lễ cũng là trong sức mạnh của Thánh Thần. Chính vì thế, linh mục cầu xin trước phần tường thuật việc lập phép bí tích Thánh Thể: “Vì thế, chúng con xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa lễ vật này, để biến thành Mình và Máu Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con, cho chúng con được hưởng nhờ” (Kinh Tạ Ơn II).

Giáo lý về sự “biến hóa bản thể” không muốn đưa ra lời giải thích bằng lý trí cho mầu nhiệm Thánh Thể - một điều chỉ có thể nắm hiểu trong niềm tin. Mục đích của hành động này là để giữ gìn ý nghĩa nguyên văn, chống lại những cách giải thích một chiều lệch lạc. Qua đó, Giáo Hội phản ảnh sự hiện diện thật sự và thực thể của Đức Ki-tô - không là hình thức bên ngoài của bánh rượu như chúng ta thấy theo kinh nghiệm thông thường (khổ, mùi, màu, vị, cấu tạo hóa học); cũng không thuộc về lãnh vực mà khoa học tự nhiên quen quan sát và thử nghiệm. Thực tại này vượt quá những gì có thể hiểu và tính đo được. Thật vậy, sự hiện diện của Đức Ki-tô liên quan đến lãnh vực mà kinh nghiệm con người không đạt đến được.

Từ niềm tin vào sự biến đổi đó, nên khoảng từ năm 1200, linh mục có thói quen quỳ gối sau khi đọc lời truyền phép. Nâng cao Bánh và Chén Thánh là một cử chỉ phụng vụ đến từ giai đoạn khi linh mục còn quay lưng về phía cộng đoàn lúc đọc Kinh Tạ Ơn. Qua đó, người dự lễ có thể “rước lễ bằng mắt” (communio per oculos). Đây là một thói quen đạo đức được phát triển và rất được ưa chuộng thời Trung cổ. Vì tin rằng Chúa Ki-tô vẫn hiện diện trong Thánh Thể, nên ngay từ thuở đầu, các Ki-tô hữu đã giữ lại Bánh Thánh lại sau Thánh Lễ. Mục đích vừa là để làm của ăn đàng cho bịnh nhân; vừa là để thờ kính trong nhiều hình thức khác nhau như: chầu, rước.