Được vị chủ lễ đọc hoặc hát sau phần đối thoại: “Chúa ở cùng anh chị em - Và ở cùng cha - Hãy nâng tâm hồn lên - Chúng con đang hướng về Chúa - Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta - Thật là chính đáng.” Trong lời kinh này, linh mục chủ lễ nhân danh cho cả cộng đoàn tán tụng Thiên Chúa Cha và “cảm tạ Người về tất cả công trình cứu chuộc, hoặc về lý do nào đặc biệt, tùy ngày, tùy lễ, tùy mùa khác nhau” (55a). Các lời Tiền Tụng thường bắt đầu giống nhau, thí dụ như: “Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.”

Lời Tiền Tụng kết thúc bằng việc nhấn mạnh sự hiệp nhất giữa phụng vụ trên thiên quốc và dưới thế: cộng đoàn cùng hòa chung trong lời chúc tụng tung hô Thiên Chúa của các thần Xê-ra-phim “Thánh! Thánh! Chí Thánh!” (Is 6,2tt). Cấu trúc của lời tiền tụng như thế có 3 phần: lời dẫn, trình bày công cuộc cứu độ và chuyển tiếp qua lời tung hô của cộng đoàn.

Vào cuối thời thượng cổ, phụng vụ Rô-ma có đến 200 lời Tiền Tụng khác nhau và được hạn chế lại còn 14 vào cuối thế kỷ 6. Mỗi lời nhấn mạnh một khía cạnh của công cuộc cứu rỗi. Các lời Tiền Tụng mới cũng chứa đựng hai yếu tố căn bản: tán tụng và tạ ơn cho toàn thể hành vi cứu độ của Đức Ki-tô; hay rõ hơn: cho toàn bộ lịch sử cứu độ từ việc sáng thế đến ngày quang lâm của Ngôi Hai. Như thế, lời tiền tụng cũng góp phần loan báo Tin Mừng, nhất là trong phần giữa.