Sau khi bàn về nghi thức đầu lễ, giờ đây chúng ta hãy xét đến Phụng Vụ Lời Chúa, là một phần cấu thành [của Thánh Lễ] bởi vì chúng ta tụ họp để lắng nghe những gì Thiên Chúa đã làm và vẫn còn có ý định làm cho chúng ta. Đó là một kinh nghiệm “trực tiếp” chứ không phải do được nghe nói đến, bởi vì “trong Hội Thánh khi Thánh Kinh được đọc, thì Chính Thiên Chúa nói với dân Ngài, và Đức Kitô, hiện diện trong Lời, công bố Tin Mừng” Khi chúng ta đọc Lời Chúa trong Thánh Kinh -  chúng ta phải lắng nghe, mở lòng ra, bởi vì chính Thiên Chúa là Đấng nói với chúng ta, và đừng nghĩ về những điều khác hay nói về những điều khác.

Các trang Thánh Kinh không còn là một bài viết mà trở thành Lời sống động được Thiên Chúa công bố. Chính Thiên Chúa là Đấng, qua người đọc, nói với chúng ta và thách đố chúng ta, là những người nghe với đức tin. Chúa Thánh Thần, Đấng “đã dùng các tiên tri mà phán dạy", và đã linh hứng các thánh ký, làm cho "Lời Chúa thực sự tác động trong tâm hồn điều mà Ngài làm cho vang lên trong tai". Nhưng để lắng nghe Lời Chúa thì cần phải mở lòng ra mà đón nhận các Lời ấy vào lòng. Điều rất quan trọng là lắng nghe. Đôi khi chúng ta có thể không hiểu tại sao lại có một số bài đọc hơi khó hiểu. Nhưng Thiên Chúa nói cùng Lời ấy với chúng ta bằng một cách khác, trong thầm lặng và lắng nghe Lời Chúa.

Chúng ta cần lắng nghe Ngài! Thực ra, đó là một vấn đề sự sống, như một diễn tả sâu sắc rằng, "người ta sống không chỉ bởi cơm bánh, mà còn bởi mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4:4). Sự sống mà Lời Thiên Chúa ban cho chúng ta. Theo nghĩa này, chúng ta nói về Phụng Vụ Lời Chúa như "bàn tiệc" mà Chúa dọn ra để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta. Đó là một bán tiệc tràn đầy của phụng vụ, rút ra rộng rãi từ kho tàng Thánh Kinh. Chúng ta nghĩ về sự phong phú của các bài đọc Thánh Kinh được ba chu kỳ Chúa Nhật cung cấp mà, theo ánh sáng của các Tin Mừng Nhất Lãm, đồng hành với chúng ta trong suốt Năm Phụng Vụ: một sự phong phú dồi dào. Tôi cũng muốn đề cập đến ở đây tầm quan trọng của Thánh Vịnh đáp ca, có chức năng nuôi dưỡng việc suy niệm về điều đã được nghe trong bài đọc trước đó. Tốt hơn là bài Thánh Vịnh được củng cố bằng bài hát, ít là trong điệp khúc.

Việc công bố phụng vụ cũng những Bài Đọc ấy, với những bài hát được rút ra từ Thánh Kinh, bày tỏ và nuôi dưỡng sự hiệp thông của Hội Thánh, đồng hành với cuộc hành trình của mỗi người chúng ta.  Cho nên, chúng ta có thể hiểu được tại sao một số chọn lựa chủ quan, như bỏ các Bài Đọc hay thay thế chúng bằng các bản văn ngoài Thánh Kinh, đều bị cấm. Ở đây chúng ta đọc Lời của Thiên Chúa, Đấng nói với chúng ta. Thay thế Lời ấy bằng những điều khác làm cho cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Ngài trong cầu nguyện bị nghèo nàn và tổn thương. Đàng khác, việc tôn trọng toà giảng và việc sử dụng Sách Bài Đọc, việc có sẵn những người đọc và những người hát Thánh Vịnh tốt [là điều bắt buộc]. Nhưng chúng ta phải tìm những người đọc tốt, những người có thể đọc, chứ không phải những người đọc [sai các lời] khiến cho người ta chẳng hiểu gì cả. Giống như thế này. Những người đọc tốt. Họ phải chuẩn bị và thử trước Thánh Lễ để đọc cho tốt. Và điều này tạo ra một bầu không khí đón nhận im lặng.

Chắc chắn rằng chỉ nghe bằng tai, mà không đón nhận hạt giống Lời Chúa vào tâm hồn mình và để cho hạt giống ấy sinh hoa trái, thì chưa đủ. Chúng ta hãy nhớ lại dụ ngôn người gieo giống và các kết quả khác nhau tuỳ theo các loại đất khác nhau (xem Mc 4: 14-20). Tác động của Chúa Thánh Thần, là điều làm cho sự đáp trả có hiệu quả, cần những tâm hồn để cho mình được Ngài làm việc và vun xới, ngõ hầu những gì được nghe trong Thánh Lễ chuyển sang cuộc sống hằng ngày, theo lời khuyên của Thánh Tông Đồ Giacôbê: "Anh em hãy là những người thực hành Lời Chúa, chứ không phải chỉ là những người nghe suông mà lừa dối chính mình" (Gc 1:22). Lời Chúa hành trình trong chúng ta. Chúng ta lắng nghe Lời ấy bằng tai của mình và chuyển Lời ấy sang tâm hồn mình; Lời ấy không ở lại trong tai, mà phải đi vào tâm hồn; và từ tâm hồn Lời ấy chuyền sang đôi tay, để làm việc lành. Đây là con đường mà Lời Chúa đi theo: từ tai đến tâm hồn và đôi tay. Chúng ta hãy học những điều này. Cảm ơn anh chị em!

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

 

Trong phần học hỏi về thánh lễ tháng này, chúng ta tạm dừng tài liệu của chúng ta để đọc thêm về giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxico về Kinh Vinh Danh và lời tổng nguyện đầu lễ.

 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong các bài Giáo Lý về việc cử hành Thánh Lễ, chúng ta đã thấy rằng cử chỉ sám hối giúp chúng ta lột bỏ những tự phụ của mình và trình bày trước mặt Thiên Chúa thực trạng của mình là những người tội lỗi và hy vọng được ơn tha thứ.

Chính từ cuộc gặp gỡ giữa cảnh khốn cùng của con người và lòng thương xót của Thiên Chúa đưa đến lòng biết ơn được bày tỏ trong kinh “Vinh Danh”, “một bài thánh thi rất cổ kính và đáng kính, trong đó Hội Thánh, tập trung trong Chúa Thánh Thần, ca ngợi và nài xin Đức Chúa Cha và Con Chiên” (Quy Chế Tổng Quát về Sách Lễ Rôma, 53).

Lời mở đầu của bài thánh thi này - “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời” - tiếp tục bài hát của các Thiên Thần khi Chúa Giêsu ra đời ở Bethlehem, lời loan báo vui mừng về vòng tay ôm ấp giữa trời và đất. Bài hát này cũng liên quan đến việc chúng ta tụ tập trong cầu nguyện: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Sau kinh “Vinh Danh”, hoặc, khi không có kinh ấy, thì ngay sau cử chỉ sám hối, kinh nguyện có một hình thức cầu nguyện đặc biệt gọi là “colletta” (Lời Nguyện Nhập Lễ), mà qua đó đặc tính chính xác của cuộc cử hành được diễn tả, được thay đổi theo ngày và giờ trong năm (x. ibid, 54). Với lời mời “Chúng ta hãy cầu nguyện”, vị linh mục khuyên nhủ dân chúng cùng hồi tâm với ngài trong một lúc im lặng để ý thức rằng mình đang ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa và mỗi người nói lên trong lòng mình những ý chỉ riêng mà với chúng họ tham dự Thánh Lễ (xem ibid., 54). Linh mục nói “chúng ta hãy cầu nguyện”; và sau đó đến một lúc im lặng, và mỗi người nghĩ về những điều mình cần và mình muốn xin trong lời nguyện này.

Sự im lặng không chỉ rút lại thành việc không có tiếng nói, nhưng là chuẩn bị sẵn sàng để lắng nghe những tiếng nói khác: của tâm hồn chúng ta, và trên hết là tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Trong phụng vụ, bản chất của sự im lặng thánh thiêng tùy thuộc vào thời điểm mà nó xảy ra: “Trong cử chỉ sám hối và sau lời mời cầu nguyện, nó giúp cho việc hồi tâm; sau bài đọc hoặc bài giảng, nó là một lời mởi gọi để suy niệm một cách ngắn gọn về những gì đã nghe; sau khi Rước Lễ, nó giúp cho việc cầu nguyện ngợi khen và khẩn cầu nội tâm” (ibid., 45). Vì vậy, trước Lời Nguyện Nhập Lễ, sự im lặng giúp chúng ta chú tâm vào chính mình và suy nghĩ về lý do tại sao chúng ta ở đó. Cho nên, việc lắng nghe tâm hồn chúng ta ở đây và sau đó mở nó cho Chúa là điều quan trọng. Có lẽ chúng ta đến từ những ngày khó nhọc, vui mừng, đau buồn, và chúng ta muốn thưa chuyện với Chúa, cầu khẩn sự giúp đỡ của Ngài, để xin Ngài ở gần chúng ta; chúng ta có các phần tử trong gia đình và bạn bè đang bị ốm đau hoặc đang trải qua những thử thách khó khăn; chúng ta muốn trao phó cho Thiên Chúa số phận của Hội Thánh và thế giới. Và đó là lý do tại sao chúng ta cần phút im lặng ngắn này trước khi vị linh mục, thu thập những ý chỉ của mỗi người, lớn tiếng thay mặt tất cả mọi người trình bày nó lên Thiên Chúa, lời cầu nguyện chung kết thúc các nghi thức đầu lễ, bằng cách làm chính việc “thu thập” các ý chỉ cá nhân. Tôi chân thành khuyên các linh mục giữ phút im lặng này và đừng vội vã: “chúng ta hãy cầu nguyện”, và hãy im lặng. Tôi đề nghị điều này với các linh mục. Nếu không có phút im lặng này, có nguy cơ bỏ qua việc hồi tâm của linh hồn.

Các linh mục đọc lời cầu khẩn này, lời tổng nguyện (Lời Nguyện Nhập Lễ) này, với cánh tay dang rộng, là tư thế của người cầu nguyện, được các Kitô hữu thực hiện ngay từ các thế kỷ đầu - được minh chứng bởi các bức họa của các hang toại đạo ở Rôma – để bắt chước Đức Kitô với đôi tay rộng mở trên cây gỗ thập giá. Và ở đó, Đức Kitô là Đấng Cầu Nguyện và là cùng nhau cầu nguyện! Trong Đấng Chịu Đóng Đanh, chúng ta nhận ra vị Linh Mục đang dâng lên Thiên Chúa sự thờ phượng mà Ngài vui lòng, đó là sự vâng phục con thảo.

Trong Nghi Thức Rôma, các lời cầu nguyện đều chính xác nhưng đầy ý nghĩa: có thể thực hiện nhiều suy niệm đẹp về các lời cầu nguyện này. Quá đẹp! Trở lại việc suy niệm về các bản văn, ngay cả ngoài Thánh Lễ, có thể giúp chúng ta học cách hướng về Thiên Chúa ra sao, cầu xin gì, sử dụng những lời nào. Nguyện xin phụng vụ trở thành một trường dạy cầu nguyện đích thực cho tất cả chúng ta.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

 

Giỗ 52 năm Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm

Lễ Giáng Sinh 2014 tại St. Anna

Lễ quan thày CĐ Frankfurt 2015